Tại buổi tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/5, nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, các thủ tục hải quan phức tạp đang gây khó doanh nghiệp. Ông Trần Minh Tuân, Giám đốc chuỗi cung ứng Công ty LG VietNam cho biết, việc tái xuất những mặt hàng không đủ điều kiện sản xuất hoặc bị lỗi do quá trình vận chuyển gặp quá nhiều phiền toái.
Cụ thể, khi doanh nghiệp nhập hàng hóa và phải tái xuất sang nước thứ 3 thường kẹt ở thủ tục hải quan vì quy trình mỗi nơi một khác. Đơn cử, TP HCM không yêu cầu doanh nghiệp phải trình lên Bộ Công Thương phê duyệt trong khi Hải Phòng, Hưng Yên lại bắt buộc có công văn lên Bộ. “Tôi cho rằng cần phải xem xét để quy trình thống nhất và giảm thiểu thủ tục hải quan”, ông Tuân kiến nghị.
Thủ tục thông quan kéo dài gây khó cho doanh nghiệp FDI. Ảnh: ST |
Ngoài ra, theo ông Tuân, doanh nghiệp còn khốn khổ bị phạt hợp đồng vì hải quan điện tử bị … lỗi mạng không kê khai được trong khi tàu đã đặt sẵn. Mặt hàng điều hòa nhiệt độ không phải là hàng xa xỉ nhưng vẫn phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa hợp lý. “Điều hòa giá chỉ khoảng 5 triệu đồng mỗi chiếc lại phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì sẽ rất khó cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Tuân chia sẻ.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp chuyên sản xuất điện thoại không dây còn gặp khó khăn trong nguồn nguyên liệu như linh kiện, chíp do phải lấy chủ yếu từ Trung Quốc. Khi thủ tục thông quan kéo dài, các ấn phẩm bị giữ lại kiểm tra và có doanh nghiệp mất phí đến 2 tỷ đồng mỗi tháng.
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý I, xuất khẩu doanh nghiệp FDI đạt 19,1 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm. Kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 16 tỷ USD, tính chung xuất siêu 1,18 tỷ USD. Các lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu là hàng điện tử chiếm 95%.
Mặc dù đóng góp quan trọng song nhiều doanh nghiệp FDI vẫn phải đối mặt với vấn đề nhân sự. Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) gặp khó trong việc thu hút và giữ chân nhân lực trong tương lai. Ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc SEV chia sẻ, với số người lao động là 33.000 người, chưa tính nhân sự ở công ty vệ tinh thì có tới trên 50% ở các tỉnh xa, đa số lao động tuổi chuẩn bị lập gia đình nên chỉ làm thời gian dẫn đến việc vận hành sản xuất bị ảnh hưởng.
“Yêu cầu cấp thiết và nguyện vọng của chúng tôi là "đặt chân" tại tỉnh nhỏ có nguồn nhân lực đông nên các cơ quan ban ngành tạo điều kiện về cư trú, nhà ở, cơ sở hạ tầng, giáo dục, nhà trẻ cho cán bộ nhân viên”, ông Shim Won Hwan kiến nghị.
Công ty Canon Việt Nam cho hay, với đặc thù là ngành điện tử đầu tư tại Việt Nam hơn 10 năm, hiện nay công ty vẫn phải chủ yếu lắp ráp các linh kiện nhập từ nước thứ ba. Điều nay làm cho chi phí sản phẩm bị đẩy lên, gia tăng thêm các thủ tục nhập khẩu. Canon đề xuất Bộ Công Thương cần có các kế hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ, xây dựng các nhà máy linh kiện gỡ khó cho doanh nghiệp. Ngoài ra Việt Nam cần quan tâm đầu tư vào hạ tầng giao thông vận tải như điện đường cầu cống đường xá để phục cho nền cồng nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhìn nhận, khối doanh nghiệp FDI trong những năm qua liên tục là nhân tố chính giúp cán cân thương mại thặng dư. Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI góp phần lớn vào tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI phần lớn là nhập khẩu nguyên liệu, gia công xuất khẩu, hàm lượng giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa còn chưa cao.
Lãnh đạo Bộ Công Thương thừa nhận thủ tục hành chính rườm rà do Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn hạn chế. “Cơ sở hạ tầng, nhân lực Việt Nam nỗ lực cải thiện nhưng phải có thời gian, có quyết tâm để thay đổi”, ông Quang khẳng định.
Hoàng Lan