Các vấn đề liên quan đến độc quyền trên thị trường xăng dầu, điện được nhắc đến khá nhiều trong báo cáo dài 18 trang vừa được Bộ Công Thương gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Đối với kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đến hết năm 2012, trên thị trường đã có 12 đầu mối tham gia nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu, trong đó, có cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Trong 5 tháng đầu năm 2013, đã có thêm 4 doanh nghiệp thuộc khu vực doanh nghiệp tư nhân được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu.
Theo cơ quan điều hành, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện đều có thể tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. "Vì vậy việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa", Bộ Công thương khẳng định. Tuy nhiên, về giá cả vẫn do Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết nhằm giữ sự ổn định, tránh gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng thị trường xăng dầu tại Việt Nam đang bị chi phối bởi các đầu mối lớn, đặc biệt là Petrolimex. Tuy nhiên, theo công bố của Bộ Công Thương vào cuối năm 2012, Petrolimex nắm khoảng 48% thị phần, thấp hơn con số 50% nên không thể coi đây là doanh nghiệp độc quyền. Một số đơn vị khác như PV Oil cũng nắm hơn 16%, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội nắm khoảng 2,2%...
Về việc chống độc quyền trên thị trường điện, Bộ Công Thương cho biết đang đề xuất đẩy nhanh tiến độ thực hiện Thị trường bán buôn điện và bán lẻ điện cạnh tranh. Trước đó, thị trường phát điện cạnh tranh được vận hành thí điểm từ ngày 1/7/2011, và chuyển sang giai đoạn vận hành chính thức từ ngày 1/7/2012. Tham gia thị trường phát điện cạnh tranh có 73 nhà máy điện với tổng công suất đặt 23.493 MW. Trong đó, có 48 nhà máy (có công suất khoảng 11.630 MW) trực tiếp chào giá trên thị trường. Còn lại là các nhà máy điện gián tiếp giao dịch trên thị trường với tổng công suất đặt là 11.683 MW.
Mũ bảo hiểm rởm, nạn nhập lậu gia cầm cũng là một trong những bức xúc và thắc mắc của cử tri dành cho Bộ Công Thương trong kỳ họp Quốc hội trước. Trong báo cáo lần này, Bộ Công Thương khẳng định hiện nay, về cơ bản đã chấm dứt được tình trạng bày bán công khai trên các hè đường và trong các cửa hàng kinh doanh các loại mũ không đạt chất lượng.
Tình hình nhập khẩu trái phép gia cầm cũng đã cơ bản được kiểm soát, Bộ Công Thương cho biết. Chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường năm 2012 đã thu giữ 407 tấn thịt gia cầm, 680.045 con gia cầm, 2,36 triệu quả trứng gia cầm, 266 tấn sản phẩm gia súc, gia cầm. Cục Thú y tổ chức tiêu huỷ 163.820 con giống gia cầm, 3,7 tấn thịt gia súc gia cầm, 40,85 tấn nội tạng gia súc, 38.580 trứng gia cầm, thanh lý buộc tái xuất 119,78 tấn hàng tạm nhập - tái xuất tại Quảng Ninh...Trong Quý một năm 2013, các lực lượng đã xử lý 512 vụ, thu giữ 466.174 con gà giống, 26.080 con gà sống, 2.300 con vịt, 142.451kg gà thịt và sản phẩm chế biến, 337.959 quả trứng gia cầm...
Thanh Bình