-
17h00
Quốc hội kết thúc phiên làm việc buổi chiều. Ngày mai 5/11, các đại biểu tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội.
-
16h15
Lo ngại vấn đề xử lý khi thủy điện nhỏ hết khấu hao?
Đại biểu Dương trung Quốc cho rằng, khi xét về lợi hay hại của hệ thống thủy điện nhỏ, chúng ta mới bàn câu chuyện hôm nay, nhưng khoảng 40 - 50 năm sau, khi đã hết khấu hao, không còn hiệu quả kinh tế thì những công trình xây ở những nơi rừng sâu nước thẳm này là vấn đề cần quan tâm.
"Khi đó nguồn lực nào để quản lý các công trình này. Ngay từ bây giờ khi xây dựng chúng ta phải nhìn thấy kết cục đó. Chắc chắn nó là di sản mà thế hệ con cháu phải xử lý", ông nói.
Tương tự, các dự án điện năng lượng mặt trời hiện nay khi không còn sử dụng nữa thì sẽ có hàng nghìn ha rác thải sẽ được xử lý như thế nào?.
-
15h56
'Chúng ta đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên'
Bà Vũ Thị Lưu Mai - Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, dành nhiều sự quan tâm đến phát triển bền vững. Bà bày tỏ hôm nay Quốc hội thảo luận trong bối cảnh thiên tai xảy ra nặng nề ở miền Trung. "Hơn bao giờ hết chúng ta cảm nhận được sự quan trọng của phát triển bền vững. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu", bà nói.
Trước hết, về các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản, bà Mai nói Việt Nam là quốc gia có tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Thời gian qua, nguồn khai khoáng mang lại nguồn thu nhất định cho Nhà nước thông qua nộp thuế, năm 2019 thu thuế từ tài nguyên hơn 36.700 tỷ, năm 2020 ước đạt hơn 22.500 tỷ. Nhưng, theo bà, đây cũng là sắc thuế thất thu lớn nhất, do chưa kiểm soát được sản lượng khai thác, trong khi lợi nhuận đem lại cho chủ đầu tư không nhỏ. Bên cạnh lợi ích kinh tế, hoạt động này tác động rất nghiêm trọng đến quá trình phát triển bền vững. Nó làm thay đổi căn bản đặc tính của đất, gây ô nhiễm đất và nguồn nước, phá hủy vĩnh viễn địa hình, gây xói mòn, sạt lở nghiêm trọng, gây ô nhiễm không khí, phá hủy nguồn sinh thái, dẫn đến phá hủy tài nguyên rừng, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên trong đó có tài nguyên không tái tạo.
Hiện nay, trên toàn quốc có hơn 3.400 điểm khai thác và tình trạng khai thác trái phép còn xảy ra trên 30 tỉnh, thành.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Theo đại biểu Mai, việc trồng rừng thay thế rừng tự nhiên là rất khó, do rừng rự nhiên có những đặc đểm mà rừng trồng không bao giờ có được, đó là khả năng giữ đất, giữ nước, bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, giữ được một ha rừng tự nhiên còn hơn trồng mới 10 ha rừng. Trên toàn quốc còn hơn 24.000 hộ dân sống trong rừng phòng hộ và đầu nguồn dẫn đến phá rừng, canh tác trái phép.
Vì vậy, bà Mai đề nghị cơ quan chức năng cần phân bổ nguồn lực tương ứng để bảo vệ, phát triển rừng.
"Thời gian qua tất cả chúng ta đều bàng hoàng đau xót trước sự ra đi của các lực lượng cứu hộ và người dân. Vẫn biết thiên tai vô thường và thiên nhiên là bất khả kháng, nhưng rõ ràng có nguyên nhân từ con người. Chúng ta đã và đang phá hủy mối quan hệ cộng sinh giữa con người và thiên nhiên, cái giá phải trả là quá đắt", bà Mai nói.
Cũng theo nữ đại biểu, trong thiên tai càng thấy được tình người, sự quyết liệt của Chính phủ, sự hi sinh của lực lượng quân đội, công an, nhưng qua đó cũng thấy được lỗ hổng trong công tác quản lý, bởi hành vi tàn phá thiên nhiên chưa được ngăn chặn.
-
15h30
Đề nghị giảm phụ cấp cán bộ để dồn nguồn lực ứng phó thiên tai
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đề nghị hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, nhất là hoạt động cứu trợ và tái thiết sau thiên tai. Ông cho biết, trước kỳ họp "đã trải qua những cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt nhất trong gần 10 năm làm đại biểu Quốc hội". Đó là khi trực tiếp chỉ đạo cứu nạn tại đợt lũ lụt khủng khiếp vừa qua ở Quảng Trị.
Mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng, Quảng Trị xuất hiện đỉnh lũ vượt lũ lịch sử trên tất cả các lưu vực sông với 4 đợt lũ chồng lũ nối tiếp nhau, sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông. 52 người đã chết, 2 người mất tích, 37 người bị thương, 281 nhà bị lũ cuốn trôi và cuốn sập, 107.019 hộ ngập lụt, nhiều điểm trường, cơ sở y tế, nhà văn hóa bị nước ngập trên 3 m...
Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Trung ương và người dân cả nước, nhân dân Quảng trị đã bước đầu vượt qua khó khăn, nhưng theo ông Đồng, để ổn định cuộc sống lâu dài thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương và không giải quyết được một sớm một chiều.
Sau mưa lũ tại xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, hiện tượng sạt lở núi làm sập nhà, vùi lấp cầu Khe Ta Bang gây chia cắt đường giao thông từ xã Hướng Phùng về Hướng Sơn đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Sau cơn bão số Molave, nhân dân phát hiện trên núi có nhiều vết nứt dài 150 - 200 m, độ rộng 40 - 50 cm, có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến 45 hộ, 171 nhân khẩu thôn Raly Rào xã Hướng Sơn.
"Nếu tiếp tục mưa lớn kéo dài thì sạt lở núi sẽ xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện tại, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn, tuy nhiên để ổn định đời sống lâu dài cần có sự hỗ trợ của Chính phủ để tỉnh khảo sát, xây dựng dự án di dời dân tập trung", vị đại biểu tỉnh Quảng Trị nói.
Ông nhấn mạnh, trong khi cả nước đang nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thì người dân vùng thiên tai đang gặp khó khăn kép khi đại dịch chưa qua, bão lũ lại hoành hành. Vì vậy, ông đề nghị dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, bổ sung hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão, lũ lịch sử vì mức độ khó khăn của họ rất nặng nề, hơn cả những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn và hạ tầng các huyện, xã vùng sâu đồng vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
"Cử tri rất đồng tình thời gian qua Chính phủ đã tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu, không chỉ lúc này và cả những năm sau. Đề nghị đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, các ngành kể cả đại biểu Quốc hội, để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống", ông nói.
-
15h05
Đề xuất phát triển kinh tế văn xã
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định, đầu tư cho văn hóa không chỉ cần thiết mà đã cấp thiết trong điều kiện hiện nay. Đầu tư không chỉ là tiền bạc mà còn nhận thức, quan tâm của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến cơ sở, để văn hóa xã hội trở nên nề nếp, quy củ.
"Trước mắt, cần có ngay nghị quyết về văn hóa để thể hiện sự quan tâm của Quốc hội tới văn hóa. Có như vậy, văn hóa mới thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực phát triển bền vững đất nước", ông Hưng nói.
Vị đại biểu cũng kiến nghị xây dựng công nghiệp văn hóa, kinh tế văn xã (công nghiệp kinh tế thể thao du lịch) - ngành có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác. Ông nói, Việt Nam có hơn 100 triệu dân rất yêu nước; phát triển kinh tế văn xã sẽ thu được lợi ích kép là vừa phát triển kinh tế, vừa có con người Việt Nam toàn diện (đức trí thể mỹ), có xã hội văn minh, nề nếp, dân trí cao.
-
14h40
Việt Nam có hơn 10 triệu người cao tuổi
Đại biểu Trần Tất Thế nêu vấn đề, với trên 10 triệu người cao tuổi hiện nay, một bộ phận không nhỏ sống khó khăn, phải tự mưu sinh, chưa được chăm sóc sức khỏe, không được người thân quan tâm. Mô hình chăm sóc người tao tuổi đã xuất hiện nhưng chưa nhiều; khả năng kinh tế để chăm sóc người cao tuổi và bác sĩ lão khoa còn thiếu.
Với xu hướng già hóa dân số, để khai thác tiềm năng của người cao tuổi, là tấm gương cho con cháu học tập, tạo động lực phát triển kinh tế của các địa phương, ông Thế đề nghị Nhà nước có cơ chế thu hút các tổ chức, cá nhân, nhân rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi trong tương lai.
"Phải tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; rà soát sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi cho phù hợp với thực tiễn", ông nói.
-
14h30
'Lúc này việc cứu giúp người dân miền Trung là quan trọng nhất'
Trước Quốc hội, Bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến nói Đảng, Nhà nước và xã hội rất quan tâm, chia sẻ đau thương mất mát của đồng bào miền Trung trong mưa lũ vừa qua; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thiệt hại nặng nề nhất cả về tính mạng, tài sản, cơ sở hạ tầng.
Ban Bí thư đã có chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tận nơi thăm bà con dân tộc thiểu số, chỉ đạo cấp gạo, cấp tiền và không để dân bị đói, bị khát, không để dân bị bệnh không được cứu chữa. "Đây không chỉ là mệnh lệnh của Thủ tướng mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Quân đội, công an ngày đêm tham gia cứu giúp người dân, đưa cả trực thăng cứu trợ. Trong hoạn nạn, chúng tôi mới thấy tình đồng chí, nghĩa đồng bào", ông Chiến nói.
Theo ông, Ủy ban dân tộc sẽ tham mưu Chính phủ cân đối lại nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên tăng thêm nguồn lực cho các tỉnh bị lũ lụt miền Trung để góp phần giải quyết nhà ở, phục hồi sinh kế cho đồng bào, ổn định cuộc sống của người dân nơi đây.
Thủ tướng đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ yếu tố tự nhiên để tìm nguyên nhân và giải pháp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo ông Chiến, hiện tại kết luận nguyên nhân gây ra thiên tai miền Trung vẫn là sớm và chưa có sức thuyết phục, bởi độ che phủ rừng của Việt Nam là 42%, không phải thấp. "Nhưng mưa dồn dập với lưu lượng lớn, miền Trung lại dốc lớn thì ngăn cản dòng chảy không phải dễ dàng. Lúc này theo chúng tôi, việc cứu giúp đồng bào ổn định cuộc sống là quan trọng nhất, mọi vấn đề khác giải quyết dần", ông Chiến nói.
-
14h20
Từ năm 2016, không bổ sung dự án thủy điện sử dụng đất rừng tự nhiên
Giải trình ý kiến các đại biểu về hoạt động thủy điện, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nói đây là vấn đề được quan tâm đặc biệt, đặt trong hàng loạt sự giám sát.
Cả nước có 429 đập thủy điện với các quy mô khác nhau, dung tích trữ nước 56 tỷ m3, công suất khoảng 20.000 MW, chiếm 37% công suất điện hiện nay.
"Chúng ta đang phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhập khẩu, năng lượng sơ cấp đã gần hết, thủy điện vì thế là nguồn năng lượng rất quan trọng", ông Tuấn Anh nói. Ngoài chức năng phát điện, các hồ chứa còn có tác dụng tích nước, tùy công suất có thể cắt giảm, điều tiết lũ. Vì thế, việc quản lý, khai thác nguồn năng lượng này như thế nào là nhiệm vụ quan trọng của đất nước.
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, từ năm 2016, Bộ Công Thương phối hợp bộ ngành liên quan, các địa phương không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện nào, dù lớn hay nhỏ, sử dụng đất rừng tự nhiên. Tỷ lệ chiếm dụng đất từ các dự án được bổ sung quy hoạch cũng giảm, chỉ có 1,9 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng trồng, rừng nghèo cho 1MW điện, thấp hơn mức chiếm dụng 10 ha đất cho 1MW theo quy định.
"Điều đó chứng tỏ chúng ta đã thực thi chính sách chặt chẽ, nghiêm túc", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Không phủ nhận tác động tiêu cực của thủy điện đến môi trường, cũng như đời sống dân sinh, song ông Tuấn Anh nêu rõ đây là vấn đề tổng thể, tùy thuộc vào cách thức khai thác của con người. Giai đoạn trước, nhiều thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn, chức năng của rừng. Vì vậy, từ lâu, thủy điện đã được quan tâm đặc biệt.
Giai đoạn 2016, Bộ Công Thương đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện, 8 dự án thủy điện bậc thang, đồng thời loại bỏ 213 điểm tiềm năng phát triển thủy điện khỏi quy hoạch phát triển.
Liên quan tới công tác vận hành, lãnh đạo ngành công thương nói Việt Nam đã có hàng loạt công cụ pháp lý, từ luật do Quốc hội ban hành cho tới các văn bản hướng dẫn, giám sát để điều chỉnh hoạt động thủy điện.
Các địa phương đều có hệ thống quan trắc, giám sát, đo lường vận hành của thủy điện. Nguyên tắc là lượng nước xả về hạ du không vượt quá lưu lượng nước về đập. Các chủ đập phải có kế hoạch, báo cáo địa phương việc điều tiết, quy trình vận hành, đảm bảo vấn đề xả lũ, an toàn tình mạng cho nhân dân.
Bộ trưởng Công Thương thống nhất với ý kiến các đại biểu đã nêu về vấn đề giám sát việc xả lũ. Dù trong bối cảnh khuôn khổ pháp lý đầy đủ, nhưng không tránh được trường hợp vi phạm. Như năm 2016, Thủy điện Hố Hô xả lũ vượt quá mức nước về hồ, gây lụt hạ du. Các cơ quan chức năng đã xử lý, thu giấy phép hoạt động, phạt hành chính, trước khi cho phép hoạt động trở lại.
Riêng câu chuyện thủy điện ảnh hưởng tới lũ bão, sạt lở, thậm chí là động đất, Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết đã tham gia cùng đoàn công tác hai lần tại Quảng Bình, Quảng Trị, hay đợt công tác mới tại Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trước mắt, theo ông, phải khẳng định sạt lở đất gắn chặt với yếu tố thời tiết dị thường. Lượng mưa ở các tỉnh này vừa qua rất lớn, thời gian lưu bão của cơn bão Molave tới 6 tiếng (ngày 28/10), tác động nhiều đến địa chất, thổ nhưỡng, gây ra sụt lở nghiêm trọng.
"Không phủ nhận việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật là những vấn đề do tác động của con người, từ các dự án như thủy điện. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và những yếu tố cực đoan của thời tiết, chúng tôi cho rằng phải xác định việc đối phó với thiên tai bão lũ trong tình hình hiện nay là câu chuyện mới", ông Tuấn Anh nhận xét và cho rằng, giải pháp phải đặt vào công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra cảnh báo cụ thể hơn, đặc biệt là lập bản đồ khu vực sụt lún, nguy cơ diễn biến cực đoan. Riêng với thủy điện cũng cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý.
:"Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến các đại biểu. Tới đây, Bộ sẽ làm việc với các bộ ngành, địa phương để nghiên cứu cụ thể, đánh giá các mặt còn hạn chế, từ đó tham mưu chính sách với Chính phủ, tiếp tục siết chặt quản lý trong việc phát triển thủy điện, hạn chế tối đa tác động tiêu cực", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
-
14h15
Cần khuôn khổ pháp lý ngăn chặn phát tán thông tin sai sự thật
Ông Tô Văn Tám, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, phản ánh thời gian qua đã xuất hiện nhiều thông tin sai sự thật, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai trên mạng xã hội. Những thông tin đó làm hoang mang dư luận, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý, song vấn nạn này chưa được loại trừ.
"Đề nghị Chính phủ nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để ngăn chặn, xử lý, loại trừ hành vi trên", ông Tám nói.
Theo ông Tám, phát ngôn, bình luận và chia sẻ thông tin là một trong những quyền tự do ngôn luận của công dân. Tuy nhiên, những quyền này phải được sử dụng trong khuôn khổ pháp lý nhất định. Các nước trên thế giới cũng tạo ra những khuôn khổ pháp lý như vậy để đảm bảo tự do ngôn luận chính đáng, đồng thời ngăn chặn, loại trừ việc lợi dụng quyền này để xuyên tạc, phát tán thông tin sai lệch, làm phương hại đến chính thể, quyền, lợi ích chính đáng của người khác.
-
14h00
Chiều nay (4/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ giải trình ý kiến các đại biểu trước đó, bao gồm hoạt động của các thủy điện trong mưa lũ ở miền Trung vừa qua.
Trước đó, đại biểu Trần Thị Dung nói việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ cho thấy cơ chế, chính sách chưa có "rào cản" thích hợp để loại ra các dự án kém hiệu quả, rủi ro cao, có thể phá vỡ sinh kế, làm mất rừng
Tháng 10/2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các tỉnh loại bỏ 474 dự án thủy điện có khả năng tác đông xấu đến môi trường, không mang lai lợi ích về mặt kiểm soát lũ lụt, thủy lợi. Hầu hết các dự án này nằm ở các tỉnh miền núi, trung du, Tây Nguyên và một số tỉnh ven biển.
Một số ý kiến phản ánh nghi vấn nhà đầu tư đã lợi dụng thủy điện nhỏ để lấy gỗ thu lợi, gây tác động tiêu cực đến môi trường.