Tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc được đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng nay.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đặt vấn đề có tình trạng hàng Trung Quốc vào Việt Nam rất dễ nhưng hàng chúng ta sang Trung Quốc lại khó. "Quy hoạch sản xuất phải tính đến ứng phó với một quy mô thị trường đáp ứng những biện pháp từ phía nước bạn. Ví dụ, phía bạn nâng hàng rào kỹ thuật hàng hóa lên rất nhiều nhưng chúng ta lại không. Bộ trưởng có thêm giải pháp gì về việc này", ông hỏi.
Trả lời đại biểu Thành, ông Nguyễn Hồng Diên nói, trước hết phải đánh giá Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn và không có lý do gì Việt Nam không tìm cách bán hàng cho họ khi "những nước từ rất xa còn tìm đến".
Nhưng vấn đề, theo ông, hàng Việt Nam định xuất vào Trung Quốc, dù là chính ngạch nhưng nếu có trục trặc là không dễ gì vào thị trường khác. Đó là do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, không bảo đảm tiêu chuẩn và không nâng năng lực thích ứng, trong khi Việt Nam đã là thành viên của rất nhiều hiệp định thương mại tự do.
"Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà và chỉ thành thị trường tiêu thụ cho các đối tác. Thị trường gần 100 triệu dân rất hấp dẫn với các nước nhưng hàng của ta sản xuất ra rất nhiều mà đưa đi đâu lại không dễ. Vì hàng đó ngay cả bán trong nước cũng chưa chắc đã được chào đón thì bán ra nước ngoài làm sao được", ông Diên nói.
Trước câu hỏi của đại biểu Siu Hương (Gia Lai) về giải pháp khắc phục tình trạng nông sản ùn ứ, đứt gãy trong chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định "chiến lược sản xuất và tiêu thụ nông sản rõ ràng còn luẩn quẩn, nhiều bế tắc".
Để giải được bài toán này, đã không dưới ba lần trong hai năm qua, Bộ Công Thương đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và các địa phương có phương án quy hoạch lại vùng trồng, vùng nuôi, phải bám sát tín hiệu của thị trường.
"Ở nền kinh tế thị trường, người sản xuất ngay từ lúc bắt đầu phải trả lời được 3 câu hỏi: sản xuất gì, bán ở đâu, cho ai. Nếu cứ cách làm cũ, tức có gì làm nấy, có gì bán nấy thì thật sự chúng ta bị động", Bộ trưởng nói.
Lấy ví dụ thanh long ruột đỏ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, có thời điểm rớt giá chỉ còn 2.000 đồng mỗi kg, Bộ trưởng cho rằng vấn đề nằm cách thức, định hướng sản xuất.
Nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, nhất là những sản phẩm trái cây ở vùng nhiệt đới như Việt Nam rất được quan tâm tại các thị trường lớn, như các nước ôn đới. Những dòng sản phẩm như thanh long được sản xuất ở vùng đáp ứng được yêu cầu của thị trường này thì xuất đi rất tốt, qua đường biển, đường hàng không, đường sắt. "Nhưng vấn đề là chúng ta lại không muốn làm theo tiêu chuẩn đó hoặc chưa làm được như thế", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Diên, ông cùng Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan đã trực tiếp họp với các địa phương, trong đó có Long An, khuyến cáo về lâu dài, căn cơ là phải thay đổi cách sản xuất, quy hoạch vùng trồng, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, phẩm cấp sản phẩm, quy cách mới có thể xuất khẩu được. Những giải pháp này, theo Bộ trưởng Diên, là cách để người nông dân chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ, bán tiểu ngạch sang chính ngạch.
Nhưng đó là câu chuyện dài hạn, còn trước mắt, bài toán quan trọng cần giải là phải nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết ùn tắc ở các cửa khẩu.
Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đã có nhiều cuộc họp bàn và trao đổi với các đối tác phía Trung Quốc. Những ngày gần đây, tình hình Covid-19 tại Trung Quốc phức tạp, phía bạn thực hiện chính sách "zero Covid" phong tỏa nhiều thành phố. Giải pháp trong ngắn hạn là cùng phối hợp với phía Trung Quốc để có được những vùng an toàn để đẩy nhanh tốc độ thông quan, giải quyết được vấn đề trước mắt.
Với diễn biến phức tạp phân bón hay những mặt hàng có nhu cầu cao, Bộ trưởng khẳng định sẽ cùng các bộ ngành có liên quan đề xuất những cơ chế, như hỗ trợ thuế với các doanh nghiệp tham gia quá trình sản xuất, lưu thông mặt hàng này, hoặc có những hỗ trợ phù hợp khác để các đối tượng dễ bị tổn thương có thể vượt qua.
"Điều này không ai mong muốn cả. Thế giới cũng đang mong giống chúng ta là làm sao sớm thoát qua cảnh khó khăn này. Nhưng trong lúc khó, với những gì chúng ta có thì phải cố gắng nỗ lực hết mình để thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Minh Sơn