Trao đổi với VnExpress, Bộ trưởng nhận định nếu tiêu thụ điện không quá đột biến mà hóa đơn của người dân từ mức 200.000-300.000 đồng mỗi tháng tăng lên cả triệu đồng là điều bất thường. “Bên cạnh đó, điện sinh hoạt chỉ nên có vài ba bậc và mức giá giữa các bậc này không nên chênh lệch nhau quá lớn”, ông Hoàng nói thêm.
Tại một cuộc họp mới đây với ngành điện sau những bức xúc của dư luận về việc hóa đơn tiền điện tăng cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng biểu giá và cách chia nhiều bậc thang nhỏ đã không còn hợp lý với tình hình hiện tại và trước mắt nên rút còn khoảng 3 bậc để giảm gánh nặng cho người dân.
Nhiều hóa đơn tiền điện tháng 6 của người dân tăng cao bất thường. |
Trong khi đó, Báo Công Thương dẫn lời Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay với cơ cấu biểu giá điện 6 bậc như hiện nay, nếu dùng sau 400 kWh, thì giá điện sẽ cao hơn các mức bình quân khoảng 1.000 đồng mỗi kWh.
Từng có thời gian làm Chủ tịch Tập đoàn Điện lực, ông Vượng cũng nhận định biểu giá hiện có nhiều bậc thang khác khau theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền “chưa thực sự thuyết phục người tiêu dùng”. Theo ông Vượng, giá điện bán ra như hiện nay đã cao hơn giá điện sản xuất, tức là có lãi, nên triết lý càng dùng nhiều càng phải trả nhiều không còn phù hợp.
“Còn nếu lấy lý do khuyến khích tiết kiệm thì tất cả cộng đồng xã hội đều phải tiết kiệm chứ không chỉ “đánh” vào các hộ sử dụng điện nhiều. Do đó, Cục Điều tiết Điện lực nên nghiên cứu, xem lại biểu giá và cách tính giá điện bán lẻ theo hướng có ít bậc thang và đặc biệt rút ngắn mức chênh lệch mức giá giữa các bậc thang”, Thứ trưởng yêu cầu.
Lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực cho biết đã có nhiều cuộc họp bàn về thay đổi cơ cấu biểu giá bán điện và cam kết sẽ rút gọn, giảm đỡ gánh nặng cho dân và cũng thuận lợi cho cơ quản lý.
Tại buổi Tọa đàm mới đây về giá điện, Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn cho biết thời gian qua đơn vị này nhận được nhiều góp ý của các nhà khoa học, khách hàng, báo chí về biểu giá này nên trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét lại cơ cấu biểu giá bán lẻ để có những điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế khách hàng sử dụng sinh hoạt ở Việt Nam.
Hai tháng trở lại đây, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã bày tỏ bức xúc khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến, có hộ mức tăng gấp 2-3 lần so với các tháng trước.
Điện lực Hà Nội cũng thống kê trong tháng 6/2015, gần 685.000 hộ sử dụng điện có mức tiêu thụ tăng từ 1,5 lần trở lên. Con số này chiếm khoảng 30% trong hơn 2,1 triệu khách hàng của EVN Hà Nội.
Gần đây ngành điện ghi nhận nhiều trường hợp nhân viên của mình ghi sai số công tơ của khách hàng hoặc nhập số liệu nhầm, dẫn đến hóa đơn nhiều hộ tăng cao.
Chí Hiếu