Ngôi làng thực của người Kayan (tên của bộ tộc người cổ dài) nằm sát biên giới Thái Lan và Myanmar, nơi hiểm trở và phải đi bộ nhiều ngày mới tới. Còn ngôi làng cho khách du lịch đến tham quan do chính phủ Thái Lan xây dựng nằm trong một thung lũng xanh, giữa những khóm tre la đà, con đường nhỏ nở đầy hoa và xung quanh có rất nhiều ruộng dưa, ruộng dâu tây. Cách bài trí khá giống với Bản Lác ở Mai Châu.
Các sạp hàng hóa nằm sát hai bên đường cũng bán những sản phẩm là các đồ trang sức bằng bạc và đồng, những chiếc khăn thổ cẩm, khăn tay màu sắc do các cô gái dân tộc dệt bằng tay, những tấm postcard với hình ảnh là chính các cô gái cổ dài với nụ cười tươi trên môi. Các cô gái cổ dài đang ngồi dệt sau khung cửi, họ đều là những cô gái đã được tuyển chọn trong làng. Những khuôn mặt xinh xắn với chiếc cổ cao lêu đêu một cách kỳ dị khiến nhiều người thắc mắc không rõ họ cúi xuống như thế nào và họ sẽ làm các công việc khác ra sao khi việc cúi nhìn là cả một vấn đề khó khăn.
Trong lịch sử, cư dân sống ở bản Kayan có tổ tiên là thổ dân Khumlen sống bên Myanma di cư sang Thái Lan từ thế kỷ 17. Dân tộc này vẫn duy trì chế độ mẫu hệ và theo quan niệm cổ càng dài thì càng đẹp và danh giá, tránh được thú dữ và không thể trốn khỏi làng (phụ nữ Kayan không được lấy người khác làng). Mỗi bé gái sinh ra đều được cả làng cho là phúc. Các gia đình khi đến chúc mừng đều mang đồng hoặc vàng đến làm quà. Cha mẹ em đúc sẵn những chiếc vòng đeo cổ bằng đồng, khi bé lên năm sẽ là lễ đeo vòng đầu tiên, chiếc vòng nặng 0,5kg. Số vòng tăng dần bốn năm một lần. Từ 0,5kg đầu tiên, 1kg, 1,5 kg, 2kg…Vòng tăng cân nặng đồng nghĩa với số vòng và chiều cao của chiếc vòng tăng lên.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Thái Lan thì chiếc cổ dài ra do sức nặng của vòng khiến vai và xương đòn sụn xuống, phần hở ra này lại được nhanh chóng lắp thêm bằng một chiếc vòng mới. Cứ thế mà kéo dài cho đến khi kết thúc cuộc đời. Có những chiếc cổ lên tới 7kg cân nặng và số vòng lên đến tận 40. Không ai được phép nhìn thấy chiếc cổ phía trong những vòng cuộn nặng nề kia. Những cô bé người Myanmar gốc sẽ vẽ thêm một hình hoa trên đôi má bầu bĩnh bằng phấn Thanaka.
Nhờ du lịch, kinh tế của những người cổ dài đã khá hơn, hàng ngày có rất đông du khách hiếu kỳ đến thăm và tìm hiểu đời sống của một trong những bộ tộc kỳ lạ nhất thế giới này. Chiếc vòng cổ giả mà các gian hàng đều có giúp du khách có thể trong một vài phút cũng thành một người cổ dài, đương nhiên ai cũng phải rướn lên mới có thể vừa. Trong túi xách của những người khách phương xa, thế nào cũng có một bức phù điêu hình tuyệt đẹp hình cô gái cổ dài với nụ cười hiền và ánh mắt thoáng nét xa xăm.
Ngôi làng của bộ tộc người Cổ dài nằm tại ngoại ô cố đô Chiang Mai, thành phố lớn thứ hai Thái Lan. Một tour đi du lịch trong ngày gồm có: Đi thăm bộ tộc các cô gái cổ dài, xem chương trình voi biểu diễn và tham quan vườn lan. Chương trình trọn gói xe cộ và ăn uống trong ngày.
Bài và ảnh: Lam Linh