Nghe chuyện, tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ về ý chí của cậu học trò. Nhưng cô bạn cười buồn, rằng chàng thanh niên ấy có nhớ tý kiến thức nào đâu. Cậu bảo phải ráng thi cho được tấm bằng tốt nghiệp phổ thông vì có thế mới cưới được vợ. Đó là yêu cầu của nhà gái.
Vì tội nghiệp cho cậu trai chưa lấy được vợ, lại thấy anh chàng bứt tóc bứt tai mãi sau khi nhận đề, cô gợi ý một số câu trả lời. Nhưng, vì cả phòng chỉ có hai thí sinh, người còn lại thấy cô giáo giúp bạn kia bèn kêu: “Cô ơi, còn em nữa”. Cuối cùng, cô phải “giúp” cả hai.
“Vậy cậu thí sinh kia có tốt nghiệp để lấy vợ không?”, tôi hỏi cô. Cô nhìn xuống mặt bàn. Cô không muốn biết kết quả cuộc thi đó nên tránh không hỏi ai. Thật ra kiến thức của môn Sinh không hữu dụng nhiều trong cuộc sống sau này của học sinh, chọn môn Sinh để thi tốt nghiệp chỉ là một cách kiếm điểm và đối phó với kỳ thi. Nên kể cả khi bạn thí sinh kia đỗ hay trượt thì bạn tôi, một cô giáo, không thể vui.
Cô áy náy vì lòng tốt của mình tại phòng thi thực ra là một sai phạm. Sai phạm có thể đến từ muôn vàn lý do cá nhân. Và các sai phạm của kỳ thi này, cho tới hôm nay, đã vượt quá sức tưởng tượng của bạn tôi hay những người quan tâm tới giáo dục.
Tôi ngồi tính nhẩm, thử xem chúng ta được gì mất gì ở kỳ thi này. Một con số hiếm hoi được công bố: Đà Nẵng có khoảng 12.000 học sinh dự thi tốt nghiệp tú tài năm nay và kinh phí bỏ ra tổ chức thi là gần 2 tỷ đồng. Như vậy, ước tính cả 63 tỉnh thành, kỳ thi tú tài năm nay có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách địa phương.
Đó là chưa tính phần đóng góp của ngân sách trung ương, cộng với tiền phụ huynh bỏ ra cho con ôn thi, đưa đi thi, hay các chi phí xã hội khác.
Tôi chưa thấy thống kê nào liên quan đến việc giảm năng suất lao động của Việt Nam trong những kỳ thi tốt nghiệp. Nhưng tôi cho rằng có việc giảm GDP của cả quốc gia trong kỳ thi. Nhiều người phải nghỉ làm để đưa con đi thi, hoạt động của các cơ quan đơn vị phải tạm hoãn để nhường cơ sở vật chất và ưu tiên cho kỳ thi, việc ùn tắc giao thông trong những ngày thi tốt nghiệp, chưa kể đến số tiền phải bỏ ra khi cần phúc khảo những nghi ngờ quy mô lớn... Tổng số tiền là bao nhiêu tỷ đồng? Câu hỏi này cần phải được làm rõ. Ít nhất, đó là căn cứ quan trọng nhất để đưa ra các luận điểm trong việc thảo luận nên giữ hay bỏ kỳ thi tú tài khi chúng ta xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi tới đây.
Việc thống kê chi phí xã hội góp phần trả lời một câu hỏi quan trọng: Liệu có ích hay không khi chúng ta bỏ ra một nguồn lực chắc chắn không nhỏ mỗi năm để loại hai đến ba phần trăm học sinh không đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp?
Bởi vì nền giáo dục có nhiều lựa chọn để sát hạch trình độ, và sau những sai phạm ở kỳ thi năm nay thì nhiều người dân không còn muốn chấp nhận một lựa chọn chính sách bằng các lập luận khơi khơi kiểu cái này tốn kém hơn, cái kia nhanh gọn hơn trên mặt báo nữa.
Cần biết bao nhiêu nghìn tỷ đã được đổ ra, cần có những con số mang tính bằng chứng, để tính toán cụ thể: liệu chúng ta có thể đầu tư cho những mô hình khác?
Học là cả quá trình và trong quá trình học cũng đã có nhiều bài kiểm tra. Nhiều nước đã áp dụng kỳ thi SAT - bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ - từ những năm hai mươi của thế kỷ trước và đến giờ đã trở thành một trong những chuẩn mực uy tín toàn cầu, được vận hành bởi các tổ chức độc lập. Khi có trung tâm khảo thí độc lập này thì ranh giới giữa các trường chuyên, trường phổ thông hay giáo dục thường xuyên hoặc học tại nhà không còn nữa. Vấn đề chỉ còn ở chính mỗi học sinh, phải tự chứng minh mình đủ năng lực để vào các trường đại học, cao đẳng.
Với châu Âu, nhiều nước lấy kết quả ba năm học cấp ba hoặc năm học cuối cấp để xét tốt nghiệp. Các học sinh chỉ cần ghi danh vào các trường cao đẳng, đại học. Đại học chỉ quản đầu ra bằng việc tổ chức thi tốt nghiệp rất kỹ càng.
Nếu nhìn kết quả thi tốt nghiệp như là chỉ số thành công cho ngành giáo dục bậc phổ thông Việt Nam, chúng ta có thể thấy chất lượng không tệ: tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mỗi năm luôn hơn 90% và trong năm 2018 là 97%. Nhưng thực tế, với những cải cách liên tục, ta đã tỏ ra hài lòng với chất lượng giáo dục?
Tăng chất lượng giáo dục có nhiều cách để tiêu tiền, khi mà ta xác định rằng mình phải tiêu tiền. Tôi nghĩ đến việc tăng lương cho giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất để tránh việc 50-60 học sinh ngồi chung trong một lớp học hay việc không có phòng học ở vùng xa. Hay ta có thể dùng số tiền đó để xây một trung tâm khảo thí độc lập tương tự SAT để đánh giá năng lực các học sinh, lấy kết quả làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển?
Quốc hội vừa hoãn thông qua Luật giáo dục sửa đổi để bàn luận kỹ hơn. Và tôi mong rằng sau thời gian hoãn ấy, những bằng chứng và thống kê cụ thể sẽ được đặt lên bàn nghị sự. Nền giáo dục không nên được quyết định bằng các lập luận nhiều tính từ.
Trần Ban Hùng