Tại ngôi trường cấp ba của mình ở Bắc Kinh, Steven Xiao vẫn được thầy cô và bạn bè gọi là người đặc biệt. Xiao đến giờ còn nhớ như in những lời dọa của thầy hiệu trưởng khi anh không chịu làm theo hướng dẫn của giáo viên, một mực chọn con đường riêng.
"Tôi từng là một kẻ nổi loạn", Foreign Policy dẫn lời Xiao nói. Anh đã phá rào bằng việc quyết định tham dự SAT, kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số trường đại học ở Mỹ, bỏ qua kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc đầy cam go và căng thẳng.
Thời kỳ đó, khoảng năm 2007, từ chối tham dự kỳ thi đầu vào đại học là điều không mấy ai dám nghĩ đến. Tuy nhiên, cha mẹ Xiao là những người khá tân tiến và ủng hộ ước mơ du học của con trai. Anh hiện làm việc cho một công ty tài chính ở Manhattan sau khi đỗ kỳ thi SAT với kết quả cao và nhập học tại Đại học Columbia, New York.
Xiao không biết rằng vào thời điểm cách đây 8 năm , những người dám bỏ qua kỳ thi đại học quốc gia có ý nghĩa sống còn ở Trung Quốc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng con số này hiện cao hơn trước rất nhiều. Công ty tổ chức thi tuyển trực tuyến Arbor Bridge ước tính khoảng 55.000 người Trung Quốc năm ngoái đăng ký thi SAT. Dù chỉ như muối bỏ bể nếu so với con số 9,42 triệu người dự kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc nhưng nó phần nào phản ánh bước thay đổi lớn trong nhận thức về giáo dục ở tầng lớp người trẻ tuổi Trung Quốc. Trước, họ chỉ có một con đường để đi nếu muốn theo đuổi nền giáo dục bậc cao nhưng nay nhiều ngã rẽ mới đã hình thành.
Năm 2008, khi Xiao nhập học Đại học Columbia, toàn trường chỉ có 868 sinh viên Trung Quốc. Trên toàn nước Mỹ có tổng cộng 24.248 học sinh, sinh viên Trung Quốc. Trong chưa đầy một thập kỷ, con số tăng lên với tốc độ chóng mặt. Đến năm 2013, số sinh viên Trung Quốc tại Đại học Columbia đã tăng gấp ba lần. Toàn nước Mỹ năm 2014 có 143.571 sinh viên Trung Quốc, theo số liệu từ Chương trình Sinh viên Học sinh Trao đổi của Sở An ninh Nội địa Mỹ.
Nhưng để có thể tham dự kỳ thi SAT và đạt thành tích cao cũng là cả một hành trình đầy gian nan đối với những học sinh Trung Quốc. Vào các tháng 5, 7 hay 10, các em cùng phụ huynh thường đổ về Hong Kong để tham dự những buổi thi được tổ chức định kỳ tại đây. Ở Trung Quốc không có trung tâm khảo thí SAT chính thức. Thay vì tới Thượng Hải hay Tân Cương, Hong Kong là một trong những địa điểm gần hơn cả. Từ năm 2012, số lượng học sinh từ Trung Quốc tới Hong Kong dự thi SAT đã vượt quá 40.000 người. Trong vỏn vẹn 3 ngày thi, một học sinh phải bỏ ra khoảng 1.000 USD tiền ăn ở, sinh hoạt.
Trước khi chính thức dự thi, gia đình những học sinh này cũng phải chi hàng nghìn USD cho các em theo học lớp phụ đạo hay tham gia những khóa học dự bị. Theo New Oriental, tổ chức tư vấn giáo dục nổi tiếng và lớn nhất Trung Quốc, giá thành cho những lớp học như vậy dao động từ 1.000 USD cho một lớp khoảng 500 em đến 12.000 USD đối với lớp 6 học sinh.
Cậu ấm cô chiêu đi du học
Luo Hongru, 18 tuổi, là tân sinh viên Đại học Columbia. Mặc quần bó, áo gió màu đen và đi đôi giày thể thao xanh lá cây, Lou trông không có gì nổi bật so với bạn bè trong trường. Cha là doanh nhân và mẹ làm trong ngành lữ hành nên theo Lou, gia đình cậu "tương đối khá giả". Khi mới 15 tuổi, cha Lou đã khuyến khích cậu cân nhắc việc đi du học bởi ông cho rằng hệ thống giáo dục ở Trung Quốc "bị kiểm soát quá chặt chẽ" và thiếu tính tự do ngôn luận.
Ngoài vài tuần đầu khá vất vả vì chưa quen với lịch học dày đặc thì có vẻ Lou hòa nhập rất nhanh với cuộc sống trên đất Mỹ. Bạn cùng phòng Lou cũng đến từ Bắc Kinh. Hai người gặp nhau tại một phòng trò chuyện trực tuyến do các sinh viên Trung Quốc học tập tại trường Columbia lập ra. Vào kỳ nghỉ xuân, Lou bay tới Atlanta để gặp bạn bè tại Đại học Emory và tham quan trụ sở của CNN. Lou nói cậu muốn trở thành một nhà báo khi ra trường. Lou chính là đại diện tiêu biểu cho thế hệ học sinh, sinh viên mới Trung Quốc mới ở Mỹ. Họ trẻ trung hơn, giàu có hơn và thông thạo tiếng Anh hơn những bậc đàn anh đi trước, theo FP.
Bởi trào lưu du học Mỹ đang ngày càng nở rộ ở Trung Quốc nên chất lượng sinh viên vì thế cũng đa dạng hơn. Trong quá khứ, chỉ có những sinh viên xuất sắc nhất mới được cử đi học ở nước ngoài. Ngày nay, những sinh viên Trung Quốc đi du học thường có xuất thân từ gia đình trung lưu hoặc thượng lưu. Họ thường được gọi với những danh xưng như "tầng lớp tinh hoa", "thế hệ giàu có thứ hai", "con ông cháu cha" hay "người thừa kế" với những ý tứ mỉa mai.
Cách nhìn nhận của cộng đồng quốc tế đối với các học sinh, sinh viên Trung Quốc dường như cũng thay đổi. Henry Chiu Hail, thạc sĩ khoa xã hội học tại Đại học California, Mỹ, đã tiến hành một cuộc khảo sát nhằm kiểm tra thái độ của các sinh viên quốc tế đối với sinh viên Trung Quốc. Hail mới đây đăng bài viết về lòng tự tôn dân tộc của sinh viên Trung Quốc tại các trường ở Mỹ. Ông nhận ra rằng những thế hệ trước thường cảm thấy bị đe dọa bởi những lời chỉ trích nhưng chúng chỉ khiến họ nâng cao ý thức về bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, lớp sinh viên Trung Quốc mới thì "quốc tế hóa" hơn nhiều.
Theo Hail, xu thế này xuất phát từ thực tế những học sinh Trung Quốc đến Mỹ hiện nay hầu hết đều vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, hoàn toàn cởi mở với những điều mới mẻ. Họ có xu hướng tự phát triển một bản sắc dân tộc riêng. "Họ thực sự muốn cách tân", Hail nhận xét.
Bàn về cách mà người Mỹ nhìn nhận về sinh viên Trung Quốc, ông Hail cho hay thời gian gần đây họ thường bị đóng khung trong cái mác "những cậu ấm cô chiêu con nhà giàu". "Trong mắt sinh viên Mỹ, sinh viên Trung Quốc toàn là những người siêu giàu có", Hail nói. Hình ảnh về những sinh viên Trung Quốc tiết kiệm và siêng năng với điểm kiểm tra gần như hoàn hảo đã biến mất.
Nhiều trường uy tín ở Mỹ hiện đẩy mạnh việc rà soát đầu vào để đảm bảo có thể tiếp nhận những ứng viên tốt nhất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc lại có ưu thế tại các trường top dưới của Mỹ.
Ngay cả những ngôi trường nhỏ thuộc khu vực hẻo lánh ở bờ đông và bờ tây Mỹ cũng đẩy mạnh thu hút học sinh từ Trung Quốc. Mark Severson, hiệu trưởng Trường Khoa học Tự nhiên và Xã hội thuộc Đại học bang Buffalo, đã đến Trung Quốc 6 lần trong 4 năm để quảng bá về chương trình bằng kép họ đang áp dụng.
"Họ trả học phí cao hơn và tương đối đều đặn. Điều này giúp ích rất nhiều cho chúng tôi", ông Severson cho biết. Nhưng lý do chính khiến ông muốn tuyển nhiều học sinh Trung Quốc là bởi họ "góp phần xây dựng và quảng bá rộng rãi chương trình của chúng tôi", ông nói. Năm 2009, Đại học bang Buffalo chỉ có 23 sinh viên Trung Quốc. Đến năm 2014, con số đã tăng lên 73 người.
Trở lại Đại học Columbia ở New York, gần 35% sinh viên quốc tế tại trường hiện là người Trung Quốc. Người ta có thể nghe thấy tiếng Trung ở mọi ngõ ngách trong khuôn viên ký túc xá. Xiao cảm thấy vô cùng ngạc nhiên trước những sinh viên Trung Quốc giàu có mới đổ về trường. Những người này chỉ trẻ hơn Xiao một vài tuổi nhưng anh dường như không thể tìm thấy điểm chung với họ. Anh nhớ từng đọc một bài báo viết rằng sinh viên đang theo học ở Midwest còn sắm cả những chiếc xe xa xỉ để đi học. Xiao chọn sống trong ký túc xá để tiết kiệm chi phí nhưng những người mới thậm chí còn không thèm thuê nhà gần trường. Họ mua hẳn một căn để sống.
Vũ Hoàng (theo Foreign Policy)