Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhất là tình trạng thao túng, làm giá... là một trong những nội dung Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sẽ trả lời chất vấn, dự kiến vào sáng 8/6.
Theo báo cáo vừa gửi Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc đánh giá, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết. Vụ việc tại FLC, Louis Holdings là điển hình.
"Thị trường vẫn trong giai đoạn đầu phát triển nên còn bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý. Các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát nên thị trường chứng khoán có nhiều phiên giảm mạnh gần đây", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Ví dụ, ngày 2/6, chỉ số Vn-Index giảm gần 14% so với cuối năm 2021, kéo mức vốn hóa thị trường giảm khoảng 13%.
Hiện tượng thị trường cổ phiếu bị thao túng giá tinh vi cũng được Uỷ ban Kinh tế, cơ quan của Quốc hội, nêu khi thẩm tra báo cáo kinh tế xã hội của Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 đang diễn ra. Cơ quan này lo ngại điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường chứng khoán.
Năm 2021, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng 258% so với bình quân năm 2020; lượng tài khoản mở mới trong năm 2021 bằng 10 năm trước cộng lại. Đến nay, thị trường này có hơn 5,2 triệu tài khoản nhà đầu tư, tăng 21% so với cuối 2021.
Cùng đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng tăng trưởng nhanh, phát sinh rủi ro, khi có hiện tượng một bộ phận nhà đầu tư cá nhân không phải những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhưng gian lận để mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo hình thức riêng lẻ. Các tổ chức trung gian (ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, kiểm toán hay thẩm định giá...) vi phạm trong tư vấn, hợp thức hoá hồ sơ để lôi kéo nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ.
"Có doanh nghiệp phát hành cố tình vi phạm, thông đồng với các công ty chứng khoán để gian lận trên thị trường. Các nhà đầu tư vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông, tin đồn, thậm chí đầu tư theo hình thức hợp đồng góp vốn nên không được coi là chủ sở hữu trái phiếu", Bộ trưởng Tài chính thông tin.
Điển hình sai phạm này là vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh, buộc cơ quan quản lý phải thông báo huỷ 9 lô trái phiếu doanh nghiệp này đã phát hành.
Trong khi đó, rủi ro trên thị trường vốn, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, phần lớn phát sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Đến cuối tháng 4, số tiền các ngân hàng rót vào trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng đạt 320.400 tỷ đồng, chiếm 2,86% tổng dư nợ tín dụng.
"Việc thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng liên quan tới lĩnh vực này chỉ là biện pháp quản lý rủi ro từ phía ngân hàng, nên cần biện pháp toàn diện hơn để làm sạch, lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu trong báo cáo gửi Quốc hội.
Thị trường vốn, gồm trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu, cổ phần hóa. 5 năm qua thị trường này tăng trưởng bình quân 28,5% một năm. Riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng là 33,2%.
Tổng mức huy động trên thị trường vốn đạt hơn 1,12 triệu tỷ đồng vào cuối 2021, tức khoảng 38,7% tổng vốn đầu tư xã hội.
Đến quý I năm nay, quy mô thị trường này đạt 134,5% GDP, trong đó vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt gần 94% GDP, tiếp đến là trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp, lần lượt gần 23% và 16,4% GDP.
Để phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu minh bạch, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này sẽ sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế. Việc sửa này theo hướng "siết" điều kiện phát hành trái phiếu, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cũng như tăng giám sát phân phối trái phiếu, dòng tiền trên thị trường chứng khoản của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước...
Ông Phớc cũng hứa sẽ sớm lập thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, buộc tất cả trái phiếu loại này phải đăng ký, lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán và giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán. Việc này nhằm tăng tính minh bạch, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ khâu phát hành đến giao dịch.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đồng tình, cần chỉnh sửa các quy định về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng chuẩn mực quản trị của các tổ chức tín dụng khi tham gia thị trường này.
Ngành ngân hàng sẽ tăng thanh tra, giám sát đầu tư trái phiếu doanh nghiệp; cảnh báo, chấn chỉnh tổ chức tín dụng đầu tư, kinh doanh lĩnh vực này.
"Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành đẩy mạnh giải pháp cơ cấu lại các phân đoạn thị trường tài chính, gồm trái phiếu doanh nghiệp, đưa thị trường này thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của nền kinh tế", Thống đốc nêu.