Theo số liệu của Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm, 70 doanh nghiệp phát hành khoảng 180.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Riêng tháng 10, lượng phát hành đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 40% so với tháng 9.
Các doanh nghiệp mua lại 14.200 tỷ đồng, tăng khoảng 5.500 tỷ so với tháng 9. Lũy kế 10 tháng, lượng trái phiếu được doanh nghiệp mua lại trước hạn là 190.700 tỷ đồng, tăng trên 30% cùng kỳ 2022 và cao hơn tổng số phát hành.
Như vậy, sau thời gian trầm lắng thị trường trái phiếu có dấu hiệu phục hồi. Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), cho rằng sự phục hồi này nhờ cộng hưởng quyết sách và chuyển biến của các chủ thể tham gia thị trường.
Tuy nhiên, ông khuyến nghị nhà đầu tư phải đánh giá được rủi ro, tiếp cận đầy đủ thông tin doanh nghiệp và trái phiếu phát hành.
"Nhà đầu tư cần thận trọng với các dịch vụ tư vấn, phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi ngân hàng. Phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ", ông Dương lưu ý.
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, nhà đầu tư cần hiểu rủi ro của trái phiếu là gắn với doanh nghiệp phát hành, không liên quan đến tổ chức phân phối, như các ngân hàng thương mại. Nhà đầu tư trước khi mua trái phiếu phải ký cam kết về tiếp cận thông tin, còn các tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc bên bán phải xác nhận cung cấp tài liệu liên quan cho nhà đầu tư.
Thời gian qua, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm với nghĩa vụ nợ, cân đối dòng tiền để thanh toán đúng hạn. Các công ty gặp khó khăn có thể căn cứ Nghị định 08 để đàm phán với nhà đầu tư hoán đổi nợ bằng tài sản hợp pháp hoặc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu. Với trường hợp gia hạn trái phiếu, thời gian tối đa không quá hai năm.
Phó Vụ trưởng Tài chính ngân hàng nói thêm, tới đây Bộ tăng quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu bền vững cho thị trường.
Bộ sẽ chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các đơn vị thanh, kiểm tra doanh nghiệp phát hành và công bố công khai sai phạm của nếu có.