Theo phương án sắp xếp bộ máy của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ hợp nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Cùng đó, một số chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Giám sát tài chính quốc gia cũng chuyển về Bộ Tài chính. Cơ quan mới sẽ giữ tên là Bộ Tài chính.
Tại cuộc họp liên quan dự thảo Nghị định về cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính ngày 7/2, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết sau khi hợp nhất, sáp nhập, số lượng đầu mối giảm khoảng 3.600, tương ứng 37,7% so với số lượng đầu mối các đơn vị, tổ chức của Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hiện nay.
Trong đó, giảm 2 đầu mối cấp bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 6 đầu mối cấp tổng cục; 98 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc bộ; 336 đầu mối cấp vụ, cục và tương đương thuộc tổng cục; khoảng trên 3.100 đầu mối từ cấp phòng, chi cục và tương đương thuộc vụ, cục và tương đương thuộc Bộ trở xuống...
Cụ thể, theo báo cáo phương án hợp nhất của Bộ Tài chính, các tổ chức hành chính trùng nhau về chức năng, nhiệm vụ từ 10 thành 5 đơn vị. Các tổ chức có chức năng gắn kết, hoặc liên thông được hợp nhất, sáp nhập từ 20 thành 8. Còn các tổ chức độc lập về chuyên môn hoặc có tính chất đặc thù được giữ nguyên (12 đơn vị).
Các tổng cục và tương đương thuộc Bộ (Tổng cục Thuế, Hải quan, Thống kê, Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán nhà nước) thành các tổ chức hành chính tương đương cục thuộc Bộ. Bảo hiểm xã hội Việt Nam được sáp nhập vào Bộ Tài chính để tổ chức thành 1 đầu mối.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, việc sắp xếp, hợp nhất theo nguyên tắc một tổ chức thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một đơn vị chịu trách nhiệm chính.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hai Bộ đã phối hợp, thống nhất phương án. "Hiện dự thảo Nghị định không còn vấn đề gì có ý kiến khác nhau", ông nói.
Theo ông Dũng, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là vấn đề lớn, hệ trọng, nhất là trong bối cảnh Việc Nam chuẩn bị tâm thế mới bước vào kỷ nguyên mới. Do đó, bộ máy hành chính phải mạnh, hoạt động hiệu quả, thông suốt để thực hiện mục tiêu đề ra.
Ông lưu ý quan điểm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính mới cần kế thừa chức năng, nhiệm vụ của 2 bộ, bảo đảm không bỏ sót, chồng lấn, vận hành thông suốt, hiệu quả.
Tại cuộc họp, các ý kiến nhấn mạnh việc sắp xếp cán bộ phải bảo đảm công khai, hợp tình, đúng người, đúng việc. Nhà điều hành cũng cần tuyên truyền, làm tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cùng với đó, các điều kiện về cơ sở vật chất cần đảm bảo để Bộ Tài chính mới có thể vận hành ngay, thông suốt.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đề nghị 2 bộ và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, bảo đảm không để bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác để bộ máy mới vận hành trơn tru, hiệu quả. Ông yêu cầu "sắp xếp xong thì công việc phải chạy" bởi Bộ Tài chính mới là bộ "cốt lõi" - "mạch máu" của nền kinh tế.
Phương Dung