Giá xe trong nước chưa giảm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cuộc họp chiều qua giữa 11 lên doanh ôtô thuộc VAMA với các nhà hoạch định chính sách thuế của Bộ Tài chính diễn ra khá căng thẳng. Cơ quan quản lý thì liên tục hỏi doanh nghiệp tại sao không chịu giảm giá bán khi mà các loại xe nhập khẩu đã hạ nhiệt. Đáp lại, VAMA cho biết một khi thuế linh kiện điện tử và tiêu thụ đặc biệt còn cao thì khó có thể nói đến việc giảm giá xe trong nước lúc này.
Theo các thành viên VAMA, thời gian qua giá nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu liên tục tăng cao, giá điện, nước, xăng dầu... trong nước lại đắt đỏ, sản xuất gặp khó khăn, lãi không nhiều, nên không thể giảm giá được. VAMA cho rằng động thái giảm thuế cho một loạt mặt hàng hôm 6/8 của Bộ Tài chính trong đó có ôtô và xe máy chỉ tác động tới các xe nhập khẩu chứ chẳng "có lợi lộc gì" cho các nhà sản xuất trong nước cả.
"Với tình hình như vậy, việc các doanh nghiệp cố gắng không tăng giá bán đã là may rồi nói chi đến giảm giá. Trừ khi Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện và thuế tiêu thụ đặc biệt xuống thấp hơn mức hiện hành. Thuế hạ, giảm bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp thì giá bán trong nước sẽ hạ nhiệt", một doanh nghiệp nhấn mạnh.
Phía Bộ Tài chính cho rằng hồi cuối năm 2005, khi bỏ cách tính thuế theo bộ linh kiện phụ tùng ôtô, thuế đã giảm từ 25% xuống còn 20-22%. Còn thuế tiêu thụ đặc biệt liên quan đến việc điều chỉnh luật của quốc gia nên không thể nói giảm là giảm ngay được mà phải dựa vào các cam kết quốc tế, nhất là khi VN đã gia nhập WTO. Quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra là trong lúc Chính phủ đang nỗ lực hạ nhiệt cơn sốt giá, kìm lạm phát, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, việc giảm giá xe trong nước cũng là một cách san sẻ gánh nặng với cơ quan Nhà nước.
"Nếu các thành viên của VAMA không giảm giá bán, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh bằng chính sách thuế. Khi ấy, chẳng cần doanh nghiệp tính toán, giá bán tự khắc sẽ giảm", một quan chức Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Hồng Anh