Tại văn bản gửi Thủ tướng ngày 28/4, Bộ Tài chính bảo lưu quan điểm chưa giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước như đề xuất của một số địa phương, hiệp hội. Lần đầu, Bộ này cũng nêu quan điểm không đồng ý việc giảm này.
Lập luận của Bộ Tài chính, việc giảm một nửa loại phí trên với xe trong nước có thể làm tăng sản lượng tiêu thụ, tăng số thu thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, số thu các loại thuế này chỉ tập trung tại 8 địa phương nơi có các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương và TP HCM. Số địa phương còn lại đều giảm thu và ảnh hưởng tới cân đối ngân sách từ chính sách này.
Năm ngoái, giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước (tháng 12/2021-5/2022) khiến các địa phương giảm thu gần 8.730 tỷ đồng.
Chưa kể, chính sách này cũng ảnh hưởng tới thực hiện các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã nhận được nhiều yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng chính sách giữa ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
"Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA)", Bộ Tài chính thông tin.
Trường hợp Thủ tướng quyết định giảm phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc hai phương án.
Một là, giảm 50% phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này, theo Bộ Tài chính có thể kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các nhà sản xuất xe trong nước. Nhưng có thể làm giảm thu ngân sách 8.000-9.000 tỷ đồng nếu thực hiện trong 6 tháng và chưa tuân thủ các cam kết quốc tế.
Trường hợp Thủ tướng quyết định phương án này trong năm nay, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Nghị định hướng dẫn theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Hai là, giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu. Bộ Tài chính nhận xét, phương án này ngoài kích cầu tiêu dùng, sẽ đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký.
Tuy nhiên, phương án này chưa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì có thể người dân sẽ ưu tiên mua xe nhập và khiến ngân sách giảm 15.000 - 16.000 tỷ đồng, tác động tới cân đối ngân sách các địa phương.
Đầu tháng 3, các hiệp hội, địa phương đề xuất Chính phủ gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước năm nay để kích cầu. Sau đó, các doanh nghiệp nhập khẩu cũng muốn Chính phủ áp dụng chính sách tương tự với xe nhập để đảm bảo cạnh tranh.
Cách đây hai ngày, Bộ Công Thương bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất giảm 50% phí trước bạ với xe sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 2023 từ các doanh nghiệp, địa phương. Việc này để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì thu ngân sách trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Về gia hạn thời gian nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng gia hạn cho kỳ tính thuế tháng 6-9 với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước. Như vậy, ngày 20/11 là thời hạn cuối cùng nộp thuế này. Tổng thuế được giãn nộp khoảng 10.400 - 11.200 tỷ đồng.
Năm ngoái việc giãn thuế này cũng được áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, với số thuế giãn nộp trên 9.600 tỷ đồng.