Trong công văn vừa gửi Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện dư luận đặt nghi vấn tiêu cực trong tổ chức triển khai xuất khẩu gạo. Những nghi vấn tập trung vào việc có hay không chuyện trục lợi từ chính sách quản lý hạn ngạch xuất khẩu gạo, tính minh bạch trong việc chấp hành pháp luật về hải quan của cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo ông Dũng, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan khẩn trương thanh kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm của công chức (nếu có). Nhưng để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và tổng thể, ông muốn ngành công an vào cuộc, xem xét điều tra, xác minh làm rõ, nhằm xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động xuất khẩu gạo cũng như việc đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu lúc 0 giờ ngày chủ Nhật (12/4) mà không báo trước. Chỉ trong vài giờ đã có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với số lượng gạo đã đăng ký 399.989,43 tấn. Còn nhiều doanh nghiệp khác dù có lượng gạo lớn nhưng bị lưu tại cảng do cấm xuất khẩu.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng thông tin việc 4 đơn vị đã trúng thầu dự trữ quốc gia gạo với Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhưng lại từ chối ký hợp đồng để giao gạo khiến đơn vị này chỉ mua được 4% số gạo theo yêu cầu của Chính phủ. Tuy nhiên, khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu gạo, cơ quan hải quan cho mở tờ khai xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn, 4 đơn vị này lại đăng ký xuất khẩu đến hàng nghìn tấn.
Hoàng Thắng