Theo tờ trình mà Bộ trưởng Đào Đình Bình ký hôm qua, Bộ Tài chính với tư cách là cổ đông chi phối sẽ chủ trì xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh và quyết định các giải pháp hỗ trợ khẩn cấp về tài chính để phục hồi sản xuất kinh doanh của Pacific Airlines. Tổng công ty Hàng không Việt Nam có thể tiếp tục tham gia cổ đông tại Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines sau khi phương án cơ cấu lại Công ty được Thủ tướng phê duyệt. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, phương án đệ trình trong văn bản trên được đưa ra trên cơ sở các ý kiến thống nhất của lãnh đạo Bộ Tài chính (Thứ trưởng Lê Thị Băng Tâm), đại diện Văn phòng Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines tại cuộc họp bàn về phương áp sắp xếp lại hoạt động của Công ty cổ phần Hàng không Pacific Airlines ngày 11/1. Bộ đề xuất, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines để trở thành một hãng hàng không lớn hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Trước kế hoạch cải tổ trên, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Nguyễn Xuân Hiển cho biết, hãng sẵn sàng rút vốn nếu có chỉ đạo của Thủ tướng. Song khi ấy các hãng sẽ hoạt động trên một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh sòng phẳng. Khó khăn đối với Pacific sẽ không ít bởi họ chưa có nhiều kinh nghiệm khai thác thị trường quốc tế, trong khi nhiều tuyến nội địa phải bù lỗ. Pacific cũng không được trả chậm tiền mua nhiên liệu cũng như phí khai thác các điểm đỗ nữa. Theo ông Hiển, để vực Pacific dậy có 3 việc phải làm: Giữ vững đội máy bay, nâng hệ số sử dụng lên 70-75% và giữ nguyên giá vé hoặc giảm một chút. Trong bối cảnh hiện nay, Pacific càng giảm giá mạnh sẽ càng lỗ. Trước đây, khi tham gia góp ý với Bộ Giao thông Vận tải về giải pháp cơ cấu lại Pacific, Vietnam Airlines đã đề nghị cho phép công ty cổ phần hoá lành mạnh, có sự tham gia của các công ty nước ngoài với tỷ lệ tối đa 20-30%. Bên cạnh đó, tạo thị trường luật pháp sòng phẳng, cho phép Pacific kinh doanh trên các đường bay mới, có thể được ưu tiên trong giai đoạn khó khăn ví dụ mở thêm chuyến bay trên đường trục Bắc - Nam, khai thác các tuyến đi Nhật, Hàn Quốc và Cao Hùng (Đài Bắc), Pacific có thể dùng hệ thống bán vé của Vietnam Airlines để quảng bá rộng rãi hơn. Điểm quan trọng nhất là củng cố nội bộ hãng, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo. Chia sẻ quan điểm trên, ông Dương Cao Thái Nguyên, thành viên Hội đồng quản trị, nguyên giám đốc Pacific Airlines phân tích, xét về kế hoạch ngắn hạn, để Vietnam Airlines lo đề án đổi mới sẽ gây khó khăn cho Pacific khi huy động vốn bởi lòng tin của các cổ đông khác còn hạn chế. Nhưng nếu để Bộ Tài chính "cầm chịch", khó khăn này sẽ giảm bớt. Theo ông Nguyên, nếu có thêm 15 triệu USD, Pacific có thể đổi mới và nhanh chóng có lãi vì bản thân hãng có nền tảng kỹ thuật và phục vụ cũng "không đến nỗi tệ". Tuy nhiên về lâu dài, theo ông Nguyên, sẽ có khá nhiều khó khăn bởi kinh doanh hàng không đòi hỏi những đặc thù về kỹ thuật, công nghệ, bộ máy khai thác. Ông Nguyên lấy vấn đề tuyển phi công làm ví dụ. Hiện ở VN không thể tuyển được phi công nếu không bỏ tiền ra đào tạo, mà đôi khi số tiền bỏ ra đào tạo còn cao hơn cả thuê phi công nước ngoài. Khai thác đường bay quốc tế cần "trường vốn", có thời gian để thu hút khách và đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ lớn. Ngay bay trong nước không tính toán khéo cũng dễ lỗ vì hiện chỉ có các đường bay trên trục Bắc - Nam có lãi. "Muốn độc lập với Vietnam Airlines, có tiền chưa đủ, huống chi chúng ta phải tìm cách cơ cấu lại Pacific mà tốn ít tiền nhất. Theo ý kiến cá nhân, tôi cho rằng một cơ chế song hành kết hợp cả yếu tố quản lý nhà nước với thế mạnh kinh nghiệm, thị trường của doanh nghiệp đi trước sẽ là liều thuốc tốt nhất cho Pacific trong lúc này", ông Nguyên nói. Phong Lan |