Thuế thu nhập cá nhân gồm thuế từ người làm công ăn lương (chiếm chủ yếu) và cá nhân kinh doanh. Đây là một trong ba sắc thuế trụ cột của ngân sách, bên cạnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng (VAT).
Hiện mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng. Mức này duy trì từ tháng 7/2020. Cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm, giảm trừ gia cảnh, phụ cấp, trợ cấp... số còn lại mới là thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến được đánh giá là lạc hậu, bất cập khi chi tiêu, cuộc sống ngày càng đắt đỏ.
Tại họp báo thường kỳ ngày 7/1, ông Trương Bá Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực hoặc lần điều chỉnh mức giảm trừ gần nhất.
Trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI từ năm 2020 - thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh - đến 2024 là trên 15%, tức chưa vượt ngưỡng 20% theo quy định. Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh chưa thể điều chỉnh theo Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết Bộ Tài chính dự báo CPI biến động trong năm 2025 và có thể phải điều chỉnh mức giảm trừ này. Do đó, cơ quan này sẽ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp thực tế, mà không cần chờ sửa luật.
"Có thể kỳ họp tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nội dung liên quan tới nghị quyết về điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo biến động của CPI", ông Tuấn thông tin.
Bộ Tài chính nhận định, giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng và chi tiêu bình quân trong giai đoạn nhất định.
Song song đó, nhà điều hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế thu nhập cá nhân (trong đó có nội dung về mức giảm trừ gia cảnh...) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam, thông lệ quốc tế.
Bộ Tài chính đã tổng hợp xong các ý kiến, góp ý của các bộ ngành, địa phương về dự thảo luật này. Tới đây, Bộ sẽ gửi hồ sơ dự án luật này sang Bộ Tư pháp, để thẩm định theo trình tự quy định. Dự thảo luật này sẽ được đăng ký vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025, thông qua tháng 5/2026.
Phương Dung