Tại họp báo quý IV chiều 9/1, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi đã nêu quan điểm về việc Bộ Công Thương đề xuất giao cơ quan này làm đầu mối quản lý, điều hành giá xăng dầu.
Ông Chi cho biết, về quản lý, điều hành xăng dầu vừa qua, Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Tài chính cùng tham gia. Theo đó, Bộ này đã chủ động, trách nhiệm để việc điều hành giá có hiệu quả.
Về việc cơ quan nào sẽ là đầu mối quản lý xăng dầu, ông nói quyết định cuối cùng thuộc về Chính phủ, Thủ tướng khi sửa đổi Nghị định. "Chính phủ sẽ cân nhắc cơ quan nào phù hợp, hiệu quả nhất cho quá trình điều hành xăng dầu thời gian tới sẽ giao cho đơn vị đó", Thứ trưởng nói.
Theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2022, Bộ Công Thương đã điều hành khá tốt thị trường xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động như bám sát diễn biến thị trường, nhịp nhàng, đảm bảo cho các cân đối lớn.
Ông cho biết Bộ Tài chính sẽ phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong công tác điều hành giá xăng dầu. "Trong trường hợp khác đi, Bộ sẽ chấp hành các phân công của Chính phủ. Tôi cho rằng cho dù giao quản lý, điều hành xăng dầu cho cơ quan nào, bộ nào cũng đều phải tốt lên", ông nói.
Vừa qua, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, cơ quan này đề xuất trao lại quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ Tài chính chuyên về lĩnh vực tài chính nên việc tính toán, hướng dẫn, công bố giá điều hành sẽ chính xác theo chế độ hoạch toán, kế toán. Tuy nhiên, nếu Bộ Tài chính làm đầu mối cũng tạo ra nhược điểm là điều hành giá và cung cầu thị trường tách xa nhau do quản lý nguồn cung thị trường vẫn do Bộ Công Thương đảm trách. Ngoài ra, việc này cũng không có sự độc lập khách quan trong xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở.
Trong khi trước đó, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm việc điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức... Việc này, theo ông Phớc sẽ đảm bảo nguồn cung thuận lợi hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình, cho rằng "hợp lý" nếu một đầu mối điều hành xăng dầu là Bộ Công Thương.
Trước năm 2014, Bộ Tài chính từng là cơ quan chủ trì, đảm trách việc tính toán, điều hành và công bố giá bán lẻ xăng dầu. Sau thời điểm này, khi Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực, việc điều hành, công bố giá được giao Bộ Công Thương chủ trì, và Bộ Tài chính phối hợp tính toán các chi phí xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở.
Đức Minh