Theo quyết định định của Chính phủ, Ban chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý để sớm ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh của Vinashin. Đồng thời, Ban cũng chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc thông tin, tuyên truyền khách quan, chính xác, kịp thời về tình hình và các chủ trương, biện pháp xử lý đối với tập đoàn.
Ban chỉ đạo sẽ có 2 tổ công tác. Trong đó, tổ công tác số một có nhiệm vụ tái cơ cấu tổ chức, chiến lược phát triển, định hướng đầu tư và sản xuất, kinh doanh của Vinashin. Tổ công tác số hai đảm trách công tác tái cơ cấu tài chính bảo đảm nguồn trả nợ, vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Bộ phận điều phối giúp việc của Ban chỉ đạo đặt tại Văn phòng Chính phủ.
Phó Thủ tướng - Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin.
Quyết định tái cơ cấu Vinashin được đưa ra trong bối cảnh tập đoàn này ngập sâu trong nợ nần. Theo kế hoạch, việc cơ cấu lại Vinashin được thực hiện theo hướng chuyển giao một số cơ sở và chi nhánh cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng giao cho Bộ Tài chính xử lý đề nghị của Vinashin về việc sử dụng một phần nguồn trái phiếu quốc tế năm 2010 (khoảng 300 triệu đôla) để trả nợ đã đến hạn cho Ngân hàng Natixis (Pháp).
Theo công bố ban đầu, số nợ của tập đoàn trước thời điểm tái cơ cấu lên đến 80.000 tỷ đồng. Trong số nợ này, một phần là trái phiếu quốc tế (bao gồm 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ), nợ đối tác và các nhà thầu trong nước. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8, Văn phòng Chính phủ cho biết tổng nợ của tập đoàn này hiện ở mức 86.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản ước khoảng 104.000 tỷ đồng.
Như Quỳnh