Lâm làm tài xế còn vợ làm công nhân may giày da, hai vợ chồng thuê trọ gần khu công nghiệp. Đợt dịch vừa rồi, cả hai thất nghiệp, tiền bạc dành dụm sau 10 năm trời làm thuê không còn bao nhiêu.
Nhà Lâm có sáu anh chị em, hai trai, bốn gái. Ba mẹ Lâm sau mỗi lần dựng vợ gả chồng cho các con thì chia cho mỗi người hai công ruộng. Hai công đất ba mẹ chia trước đây, Lâm để anh trai làm. Lần này về quê, Lâm định bụng lấy lại đất để canh tác. Nhưng chỉ trong vòng một tuần, cậu thay đổi ý định. Hôm qua, Lâm gọi điện chào tôi. Trước mắt, cậu phải để vợ và hai con ở nhà, để cùng anh trai lên TP HCM tìm việc, kiếm tiền tiêu Tết vì "nhà bốn miệng ăn không thể trông chờ vào hai công ruộng".
Trong cuộc trò chuyện, Lâm nói thay đổi ý định vì trực tiếp chứng kiến cảnh anh trai thu hoạch lúa vụ thu đông. Một vụ lúa ít nhất phải mất ba tháng. Trong khi, chi phí đầu tư quá cao, từ giống, vật tư nông nghiệp, công thuê cắt và chuyên chở... tất cả đều tăng. Sau khi trừ hết mọi chi phí, trung bình mỗi công đất vừa rồi anh trai Lâm lãi chưa tới 500 nghìn đồng. Chưa kể, mấy tháng nay, giá phân bón đang tăng phi mã, có lúc đã tăng đến 80% so với trước đây và vẫn chưa dừng lại. Vì thế, anh của Lâm và một số bà con nông dân trong xóm đang cân nhắc có nên tiếp tục trồng lúa hay không. Vì với giá phân bón hiện nay, nếu làm 1-2 công ruộng chắc chắn sẽ bị lỗ.
Theo tính toán của các chuyên gia Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), chi phí phân bón chiếm khoảng 22-25% trên tổng chi phí sản xuất lúa, nhưng khi giá phân bón tăng gần gấp đôi, tỷ lệ này lên tới 35-40%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Việt Nam hiện đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất đạt khoảng 4,69 triệu tấn phân bón vô cơ, tăng 11,7% so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, phân NPK đạt trên 2,2 triệu tấn; phân urê đạt 1,244 triệu tấn; phân lân đạt khoảng 900.000 tấn; phân DAP, MAP đạt 341.000 tấn, tức là gần 95% công suất thiết kế (năm 2020, sản xuất DAP và MAP chỉ đạt 60% công suất thiết kế). Đối với phân DAP và MAP, lượng bán ra từ nguồn sản xuất trong nước là khoảng 355.000 tấn, tăng 84,5% so với cùng kỳ 2020.
Các con số thống kê cho thấy, nguyên nhân giá phân tăng hoàn toàn không phải do cung vượt cầu. Vì nhu cầu sử dụng phân bón trong nước về cơ bản không tăng trong những năm gần đây.
Tại một Hội nghị hồi tháng 8, các chuyên gia đã mổ xẻ, giá phân bón tăng cao kỷ lục do một số nguyên nhân như: Chi phí vận chuyển trên thế giới tăng mạnh do các lệnh hạn chế vì dịch bệnh; nhiều nhà máy phân bón gián đoạn sản xuất, chi phí đầu vào tăng do giá nguyên liệu tăng...
Phân bón là mặt hàng thuộc diện nhà nước bình ổn giá. Nhưng thực tế, với những nguyên nhân trên, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do sự ảnh hưởng của thị trường thế giới. Việc áp dụng các quy định hành chính để bình ổn giá là điều khó khả thi.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có câu trả lời và giải pháp thỏa đáng thì nguy cơ người nông dân bỏ hoang ruộng đất, vườn tược rất có thể sẽ xảy ra. Khi ấy, nền nông nghiệp nước nhà không những bị đứt gãy chuỗi cung ứng mà còn rất khó chuyển từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp mà lãnh đạo ngành đang rất kỳ vọng.
Ở phương diện khác, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất lúa gạo. Chỉ tính riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, mỗi năm cung cấp khoảng 50% sản lượng gạo cho quốc gia, 90% sản lượng gạo xuất khẩu cho cả nước. Với thế mạnh này, trong tương lai gần, Việt Nam có thể yên tâm về vấn đề an ninh lương thực hay ít nhất là không lo thiếu gạo ăn.
Tuy vậy, làm sao để người nông dân yên tâm sản xuất, trong bối cảnh nền kinh tế cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong hai năm qua, là vấn đề không thể chủ quan, lơ là.
Hiện tại, Chính phủ đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch Covid-19 để từng bước tháo gỡ và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho nền kinh do phong tỏa và giãn cách thời gian qua. Dẫu vậy, theo các chuyên gia dịch tễ thì tình hình vẫn còn nhiều phức tạp. Việc phục hồi nền kinh tế ở khu vực đô thị không thể trong "một sớm, một chiều", đặc biệt là TP HCM - nơi đóng góp 23% GDP cả nước nhưng bị ảnh hưởng rất nặng nề trong đợt dịch vừa rồi.
Với tình hình như thế, việc tập trung trí tuệ, công sức phát triển nền kinh tế nông nghiệp để "bù" cho những thiệt hại ở các lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ, theo tôi, rất nên được xem là một chiến lược quan trọng của quốc gia giai đoạn tới. Ngay lúc này đây, ngành nông nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án để duy trì sản xuất và tiêu thụ nông sản cho người dân; đặc biệt là phải làm sao nhanh chóng giảm nhiệt giá phân bón để đỡ gánh nặng mùa vụ cho người nông dân.
Nôn nóng trở về rồi vội vã ra đi. Nhìn cảnh đồng bào miền Tây mới hôm nào tay xách nách mang từ TP HCM trở lại quê nhà tránh dịch, chưa được bao lâu đã phải lộn lại xứ người mưu sinh, làm tôi nhớ đến nghịch lý "đất giàu người nghèo" ở xứ đồng bằng - nghịch lý mà cách đây không lâu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Đại học Fulbright đã công bố trong một báo cáo về hơn 1,3 triệu người miền Tây ly hương lên Sài Gòn và Đông Nam Bộ để mưu sinh trong 10 năm qua.
Có lẽ nào "thủ phủ trái cây", "vựa lương thực của cả nước" giờ đây lại là nơi "khó ăn, khó ở" với đồng bào đến vậy.
Khi những người dù đã quyết gắn bó với đồng ruộng, nhưng rồi vẫn phải ra đi như Lâm, vì giá cả phân bón, tôi nghĩ, dù nguyên nhân là gì, bài toán khó đến đâu, thì việc giải bài toán giá phân bón cũng rất cấp thiết, để người nông dân không rơi vào lựa chọn bất đắc dĩ, là tiếp tục cuộc hành trình lưu lạc, tha hương.
Nguyễn Trọng Bình