Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. |
- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của thỏa thuận hạn ngạch dệt may VN - EU đạt được lần này?
- Thỏa thuận sẽ tạo cho các doanh nghiệp dệt may VN có được cơ hội ngang bằng với các nước thành viên WTO khi tiếp cận thị trường EU. Tuy nhiên, có tận dụng được cơ hội hay không còn tùy thuộc vào khả năng cạnh tranh và cách tổ chức thị trường của các doanh nghiệp. Ngoài ra, bỏ quota có thể xóa bỏ được những tiêu cực xảy ra trong quá trình phân bổ quota. Đây là điều tôi mừng nhất, và đó cũng là lý do để VN quyết tâm làm, liên tục đàm phán căng thẳng từ 22/9 đến tận trước khi ký vẫn phải thảo luận.
Về phía Bộ Thương mại, trong thời gian tới sẽ làm việc với Hiệp hội dệt may, Bộ Công nghiệp và các doanh nghiệp để bàn phương cách làm thế nào để VN có thể tăng khả năng xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường EU hơn nữa.
Phát biểu tại lễ ký kết thỏa thuận về việc EU xóa bỏ hạn ngạch cho hàng dệt may VN từ 1/1/2005, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự đánh giá, thỏa thuận này thể hiện bước tiến mới quan trọng trong quan hệ kinh tế thương mại giữa VN và EU. Nó tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp VN có thể chủ động xâm nhập thị trường EU bằng năng lực và khả năng cạnh tranh của mình. Về phía EU, Đại sứ trưởng phái đoàn châu Âu tại VN Markus Cornaro cho biết chính nhờ sáng kiến của VN mà hai bên đã đi đến thỏa thuận này. Ông tin rằng nhờ thỏa thuận này mối quan hệ VN - EU sẽ ngày càng mở rộng và phát triển. |
- Vậy VN mở thị trường cho EU như thế nào?
- VN sẽ tạo điều kiện cho EU tiếp cận thị trường ở một số lĩnh vực đơn lẻ, riêng biệt và không có tính thể chế. Đó là những lĩnh vực mà nền kinh tế của chúng ta có thể chấp nhận được, song không vượt quá những gì VN đã cam kết trong thỏa thuận gia nhập WTO.
- Ảnh hưởng của thỏa thuận này đối với bản đồ dệt may thế giới trong thời gian tới?
- Theo tôi bản đồ dệt may trong thời gian tới vẫn theo xu hướng nước nào mạnh sẽ thắng. Khi đã mở cửa thì các doanh nghiệp trong nước phải cạnh tranh. Và để thắng thì doanh nghiệp VN phải nâng cao tính cạnh tranh hơn nữa.
- Có ý kiến cho rằng VN bị thiệt thòi khi đi đến thỏa thuận này. Ông có ý kiến gì?
- Thông thường các thỏa thuận luôn theo hướng hai bên cùng có lợi nhưng không bên nào thỏa mãn. Nó luôn mang tính cân bằng.
- Việc ký thỏa thuận này tác động như thế nào đến việc VN tiếp tục xúc tiến ký kết với Mỹ một thỏa thuận tương tự?
- Tôi đã thăm dò phía Mỹ nhưng nhìn chung phản ứng của họ rất thận trọng. Do vậy lối đi chắc chắn là VN phải gia nhập WTO. Song tôi cũng không loại trừ khả năng VN sẽ tiếp tục tìm kiếm và trao đổi với Mỹ để đi đến một thỏa thuận tương tự.
Kiều Giang thực hiện