Có lẽ ở nhiều nơi, tổ trưởng dân phố hay trưởng thôn là người vất vả nhất mỗi dịp bầu cử. Trước ngày bầu cử, bác tổ trưởng tất tả đi vận động dân quanh xóm. "Đề nghị các gia đình bố trí thời gian đi bầu để đạt chỉ tiêu 100%", ông vừa nói vừa phát tờ thông báo, rồi vội bước nhanh sang nhà khác. Đầu giờ sáng hôm sau, ông lại đi tiếp một vòng để đôn đốc người dân đi bầu.
Lần bầu cử gần đây nhất, khoảng 9 giờ sáng, tôi có mặt để làm nghĩa vụ công dân. Điểm bầu cử trang hoàng đỏ rực trong một hội trường nhỏ. Các cử tri làm thủ tục đăng ký và nhận tờ phiếu. Tôi nhìn quanh. Nhiều người hì hụi viết vài tờ phiếu cùng một lúc, họ là những "đại diện" đi bầu thay cho cả nhà. Đó là hành vi bị cấm, nhưng để đảm bảo đủ chỉ tiêu, không ít đơn vị bầu cử nhắm mắt cho qua.
Tôi đọc hết thông tin về các ứng cử viên, nhìn những tấm chân dung phông xanh của họ, và cũng thử cân nhắc chọn ai hứa hẹn làm được nhiều việc tích cực cho dân. Nhưng rốt cuộc, cái tên tôi lựa chọn chỉ dựa trên cảm tính. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy mặt họ, bởi ngoài bác trưởng thôn, tôi không tiếp xúc với ai vận động tranh cử trong kỳ bầu cử đó.
Ngày bầu cử thành công tốt đẹp, bác trưởng thôn rất hài lòng vì xóm tôi hoàn thành chỉ tiêu. Cho đến 5 năm tiếp theo, không ai nhớ tên đại biểu Quốc hội đại diện cho khu vực mình sống.
Tự kiểm điểm bản thân, dẫu mang tiếng là người nghiên cứu về chính sách, tôi cũng không nhớ nổi đã gạch tên ai và chọn ai trong phiếu cử tri ở ba kỳ bầu cử đã tham gia.
Chúng ta đôi khi trách các đại biểu Quốc hội không tích cực trên nghị trường mà quên rằng, điều đó có một phần từ chính mình.
Bởi chính bạn đã chọn họ để vào Quốc hội, trong suốt nhiệm kỳ 5 năm, với hy vọng họ đại diện cho mình xây dựng thiết chế, luật pháp, đòi hỏi những thay đổi về chính sách.
Tất nhiên, Quốc hội không trăm tay nghìn mắt để giải quyết tất cả các sự vụ được người dân ủy thác. Quốc hội cũng không hoàn hảo: đã có ví dụ về các đại biểu lợi dụng vị trí và uy tín của mình để trục lợi, hay những người chỉ họp điểm danh nhưng không đóng góp gì nhiều.
Chúng ta có cơ hội sửa chữa sự không hoàn hảo đó bằng lá phiếu cử tri cuối tuần này.
Đầu năm nay, một số sinh viên tiếp cận tôi trao đổi về bầu cử. "Chúng em muốn tăng sự tham gia của người trẻ vào đợt bầu cử tới", bạn chia sẻ về ý tưởng xây dựng bộ cẩm nang bầu cử Quốc hội thân thiện với thế hệ trẻ.
Tôi vừa ngạc nhiên, vừa xấu hổ. Vì trong định kiến của tôi, "giới trẻ" gắn liền với K-pop, trà sữa, đi du học, check-in ở đâu, làm nghề gì sẽ kiếm được nhiều tiền, hay bài hát nào đang ở top trending trên YouTube. Những sự kiện chính trị nằm cuối trong danh sách cần quan tâm.
Định kiến của tôi xuất phát một phần từ kinh nghiệm bầu cử "đủ chỉ tiêu" trước đây và có phần hời hợt của bản thân. Tôi cũng quan sát thấy, ở nhiều gia đình Việt Nam, việc quan tâm đến các vấn đề chính sự vẫn được coi là chuyện nhạy cảm. "Thân mình lo chưa xong, biết gì mà ăn rau muống bàn chuyện nhà nước" là lời răn phổ biến của nhiều bậc cha mẹ.
Nhưng xã hội luôn vận động, thời kỳ mới đòi hỏi thái độ và hành động mới tương ứng. Mới đây, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò của người dân trong tham gia quản lý xã hội. Việc người dân thực hành dân chủ trực tiếp thông qua lá phiếu, và dân chủ gián tiếp thông qua người đại diện là đại biểu Quốc hội, là cơ chế trọng yếu để đảm bảo thực hiện vai trò đó.
Nếu không quan tâm đến chính trị, làm thế nào để cử tri thực thi hai quyền dân chủ nói trên?
Quan tâm đến chính trị không chỉ để phục vụ những mục đích "bao đồng" mà còn bảo vệ lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân. Mỗi đại biểu Quốc hội đại diện cho một khối cử tri nhất định, và họ sẽ là kênh truyền dẫn khả dĩ nhất giúp tiếng nói của người dân được lắng nghe.
Từ những vấn đề gai góc, kéo dài như khiếu nại của bà con Thủ Thiêm cho đến bức xúc về trạm thu phí BOT hay công tác quản lý của các ngành, nỗ lực của đại biểu Quốc hội góp phần tạo ra thay đổi tích cực về chính sách. Kể cả khi vấn đề chưa được giải quyết một sớm một chiều, việc ý thức được sự tồn tại của chúng cũng mang ý nghĩa lớn.
Để cử tri hào hứng hơn, ở chiều ngược lại, Quốc hội và bản thân các đại biểu cũng cần thay đổi. Ở đất nước có đến hơn 60 triệu người dùng mạng xã hội, nhưng hiếm có đại biểu Hội đồng nhân dân hay Quốc hội nào tận dụng mạng xã hội như một kênh đón nhận ý kiến cử tri.
Trong danh sách ứng viên ở khu vực bầu cử nhà tôi, chỉ có thông tin và địa chỉ thường trú của họ thay vì số điện thoại hay e-mail - công cụ giúp việc liên hệ với các đại biểu dễ dàng hơn nhiều. Tôi chỉ biết một đại biểu hội đồng nhân dân Hà Nội sử dụng Facebook, nhưng cô không tham gia tái cử. Tiếp xúc trực tiếp cử tri theo chương trình tuy cần thiết, nhưng không phải cử tri nào cũng có thể bố trí thời gian tham gia. Nếu gặp những vấn đề khẩn cấp, nhưng lại không có lịch tiếp xúc, làm thế nào để cử tri thông báo cho đại biểu?
Thêm vào đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu các đại biểu chủ động giải trình với cử tri về những điều làm được và chưa được trong nhiệm kỳ của mình. Điều này đặc biệt cần thiết với các đại biểu tái cử, vốn chiếm khoảng 40% cơ cấu. Nó còn giúp tôi và nhiều công dân nhớ tên đại biểu.
"Báo cáo cử tri" cũng không cần phải quá cầu kỳ, thậm chí chỉ cần một video thuyết minh vài phút như cách nữ nghị sĩ trẻ nhất lịch sử Mỹ, Alexandria Ocasio-Cortez, thực hiện trên kênh Twitter của mình.
Nếu dân biểu thực sự muốn, họ sẽ không thiếu những kênh truyền thông sáng tạo giúp kết nối với cử tri thực chất và thường xuyên.
Đất nước đang trong giai đoạn đầy thử thách của đại dịch, những khó khăn chung của nền kinh tế bắt đầu ngấm dần vào mỗi gia đình, doanh nghiệp, tổ chức. Trong gam màu trầm đó, những nét mới trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này mang lại nhiều hy vọng.
Đó là nhiệt huyết của những bạn trẻ như tôi đã gặp, sự có mặt của những ứng viên độc lập hay sự chuyên nghiệp hóa của Quốc hội thể hiện qua mức "sàn" 40% đại biểu chuyên trách.
Bỏ lá phiếu vào hòm có lẽ là phần việc dễ nhất, nhưng nó chỉ là điểm khởi đầu của quá trình "giám sát" đại biểu Quốc hội trong 5 năm tới.
Tôi tin rằng khuyến khích sự quan tâm và tham gia tích cực hơn của người dân, hoạt động Quốc hội sẽ ngày càng chất lượng và thể hiện rõ hơn tính đại diện của mình.
Thay đổi tích cực không tự dưng mà có. Nó chỉ tới khi mỗi cá nhân, gồm cả cử tri và dân biểu, chủ động là một phần trong tương lai mình hướng đến.
Nguyễn Khắc Giang