Bài viết dưới đây là chia sẻ về lựa chọn từ bỏ công việc làm quản lý thu nhập cao để đổi lấy cuộc sống bình thản, có nhiều thời gian dành cho gia đình của anh Đinh Gia Cường, 46 tuổi ở quận 8, TP HCM:
Tôi ở tỉnh lẻ, lên Sài Gòn học Đại học Y Dược với quyết tâm thoát nghèo. Sau khi tốt nghiệp năm 1993, tôi học tiếp về trợ lý giảng dạy và nghiên cứu sau đại học để tăng cơ hội có việc thu nhập tốt.
Năm 1997, tôi vào làm ở một công ty dược nhà nước nhưng chỉ bám trụ ít ngày thì chuyển sang một đơn vị nước ngoài đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam. Nơi này vướng mắc một số giấy tờ, không thể tiếp tục hoạt động nên 6 tháng sau, tôi nghỉ và mở một nhà thuốc cùng 2 người anh ở chung ký túc hồi sinh viên. Nhà thuốc hoạt động tốt, sau hai năm, chúng tôi hùn vốn lập công ty phân phối dược phẩm.
Công ty phát triển ngày càng lớn mạnh, tới năm 2007, chúng tôi mở thêm được hai công ty con và một chi nhánh nữa, với tổng số nhân viên hơn 150 người. Đảm nhận vị trí giám đốc, tôi giữ 25% cổ phần. Tuy nhiên, càng ngày, tôi càng cảm thấy sự khác biệt quá lớn về quan điểm kinh doanh, giá trị sống với những người cùng sáng lập doanh nghiệp. Tôi không thích ứng với môi trường kinh doanh kiểu lắt léo, tốn kém quá nhiều thời gian, tiền bạc cho các chi phí bôi trơn, xã giao. Các mâu thuẫn, tranh cãi với những người từng kề vai sát cánh cùng mình từ thời khó khăn khiến tôi thấy căng thẳng, mệt mỏi.
Tôi vốn là người coi giá trị gia đình là trên hết. Nhưng nhiều khi, vì chuyện kinh doanh, tôi phải tham gia vào rất nhiều việc mà bản thân nghĩ là không cần thiết như đi tiệc tùng tiếp khách, giao lưu trong và ngoài công ty... Tôi cảm thấy luôn bị bó buộc, không làm chủ được thời gian khi thường xuyên phải vắng mặt trong bữa cơm gia đình, để vợ lụi cụi một mình với con. Trong đầu tôi hiện lên câu hỏi liệu đồng tiền có đáng để mình tiếp tục sống nặng nề thế này?
Với tôi, tiền bạc rất quan trọng. Nhưng rút cục, tiền chẳng phải là để mua cảm giác hài lòng, sự thoải mái, hạnh phúc sao? Rõ ràng, lúc bấy giờ, tôi có tiền nhưng không hề cảm nhận được những điều ấy. Tình hình ngày càng tệ nên tôi quyết định rút hết vốn khỏi công ty năm 2008.
Mấy năm sau đó, tôi được mời vào vị trí quản lý một số công ty nhưng không nhận lời chỗ nào.
Năm 2011, tôi gặp lại thầy giáo cũ và được thầy mời về giảng dạy tại một trường đại học tư. Trước đó, tôi cũng thường xuyên được bạn bè, người quen nhờ tư vấn về kinh doanh, quản lý. Nhiều người trong số đó nhận xét tôi có khả năng truyền đạt kiến thức và truyền cảm hứng. Không ít người nhìn hình dáng, cách ăn nói cũng cho rằng tôi hợp với nghề sư phạm. Nghĩ mình có chút duyên với nghề giáo, tôi nhận lời thầy. Từ đó tới nay, tôi giảng dạy bộ môn giao thoa giữa kinh tế với quản lý và chuyên môn dược - đều là những gì mình có cả kiến thức lẫn trải nghiệm.
Thu nhập của giảng viên chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng, chưa bằng 1/10 mức cũ, nhưng tôi thực sự thấy cuộc sống vui vẻ, ý nghĩa hơn. Tôi quan niệm, không phải theo đuổi đam mê thì thành công sẽ tới, mà khi đã chọn việc gì, hãy làm hết sức, mình làm giỏi thì sẽ nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Khi đi dạy, tôi cố gắng làm tốt nhất có thể và đã tạo được sự hứng thú, tin cậy của học trò. Những tình cảm tích cực đó khiến tôi thấy hạnh phúc, có ích và càng cố gắng phát huy hơn nữa.
Công việc mới cũng cho tôi chủ động thời gian cho hai con, hiện một cháu vừa vào đại học, một bạn ngồi ghế cấp 2. Tôi hầu như ngày nào cũng về cùng con đi bơi, ăn cơm, trò chuyện...
Là người từng làm kinh doanh, tôi hiểu rất rõ nguyên tắc hàng đầu trong kinh tế là sự đánh đổi. Mỗi sự lựa chọn đều có được và mất. Khi tôi chọn rời ghế giám đốc, cái mất là cơ hội về mặt tích lũy tài sản. Các nhân viên dưới quyền tôi trước đây giờ đều có xe sang. Người chỉ có 8% cổ phần tại công ty kể rằng thu nhập một năm của họ giờ gần chục tỷ. Cơ hội đó rất lớn. Nhưng tôi không tiếc vì tôi đã lường trước lúc mình lựa chọn, và đánh đổi.
Nếu còn ở vị trí cũ, tôi thừa khả năng tài trợ cho con đi du học. Nhưng nay, dù tài sản tích lũy có, thu nhập thụ động còn, nhưng với mức lương nhà giáo của hai vợ chồng, việc chi vài chục triệu mỗi tháng cho con du học (đó là khi cháu đã giành được học bổng 75%) có thể phá vỡ sự ổn định về ngân sách.
Nhiều người sẽ cho rằng, vậy là lựa chọn sự nghiệp của tôi khiến con cái thiệt thòi. Tôi không nghĩ vậy. Bản thân từ tay trắng đi lên, tôi thấy mình học hỏi được rất nhiều từ cuộc đời - những trải nghiệm sống, làm việc mà không tiền bạc nào mua được. Tôi tin con cũng sẽ tự tạo dựng được cuộc sống từ bàn tay và khối óc. Cháu lớn 18 tuổi đã tự vạch ra con đường phát triển và quyết định là sẽ hoàn thành chương trình đại học trong nước tại một trường liên kết, sau đó tìm học bổng cho chương trình sau đại học.
Tôi cho rằng trách nhiệm lớn nhất của bố mẹ là tạo cho con khả năng độc lập, chứ không phải mua sự thành công cho con. Điều mình có thể giúp ích nhất cho con là khi về già bố mẹ vẫn hạnh phúc bên nhau, khỏe mạnh và vững vàng về kinh tế.
Trải qua thay đổi trong sự nghiệp, tôi cho rằng, trước khi đưa ra quyết định rời khỏi công việc hiện tại, mỗi người cần có đủ tài chính để duy trì mức sống như bình thường. Nếu không, những thôi thúc về cơm áo gạo tiền có thể đẩy bạn tới những lựa chọn vội vã, ảnh hưởng tới tương lai của bản thân và cả gia đình. Điều thứ hai là sự ủng hộ của bạn đời. May mắn là tôi và vợ luôn đồng lòng và hỗ trợ nhau trong mọi thời điểm.
Hồi còn làm giám đốc, tôi thừa khả năng để "nuôi" vợ ở nhà, nhất là khi đồng lương đi dạy của cô ấy không đáng bao nhiêu. Nhưng tôi luôn khuyến khích vợ đi làm vì cho rằng tài chính gia đình chỉ dựa vào một người sẽ rất rủi ro. Tôi cũng cố gắng hỗ trợ vợ học lên cao. Khi tôi nghỉ việc, với tấm bằng tiến sĩ, thù lao của vợ đã khá cao, nhờ vậy tôi cũng đỡ lo về gánh nặng tiền bạc. Nói thật, nếu tôi chuyển sang nghề giáo khi chưa có nhà cửa, khoản tích lũy nào, vợ thì lương ba cọc ba đồng, con học hành không tới nơi tới chốn, thì bức tranh sẽ hoàn toàn khác.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Vương Linh ghi