Bài viết dưới đây là chia sẻ của bà Trần Thị Hồng Hà, nguyên phó giám đốc một trung tâm tư vấn hôn nhân - gia đình, thuộc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, về bước ngoặt chuyển từ kỹ sư hóa thực phẩm sang làm nhà tư vấn tâm lý và những thay đổi trong cuộc sống từ đó:
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau giải phóng thì cùng gia đình vào Sài Gòn, học ngành hóa thực phẩm tại Đại học Bách khoa. Ra trường, tôi nhận công tác ở một xí nghiệp sản xuất thực phẩm. 16 năm ở đây, chủ yếu tôi phụ trách kỹ thuật của bộ phận sản xuất và thực hiện một số đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, xí nghiệp làm ăn ngày càng trì trệ, các sản phẩm nghiên cứu ra chỉ nằm trên giấy khiến tôi nản lòng.
Cũng thời gian đó, tôi hay gặp một người chị làm nghề tư vấn tâm lý. Gần 20 năm trước, ngành này còn khá mới mẻ. Tôi rất ấn tượng mỗi khi nghe chị kể về chuyện gặp khách hàng, nghe họ giãi bày và tư vấn giúp họ vượt qua những tình huống éo le. Quả là một nghề thú vị. Tìm hiểu và biết là làm nhà tư vấn không bị giới hạn về tuổi tác, tôi quyết định rẽ lối ở tuổi 42.
Để chuẩn bị cho quyết định này, tôi đăng ký ôn thi đại học về chuyên ngành xã hội. Việc học để thi khối C sau 16 năm làm trong ngành kỹ thuật không quá trầy trật vì trước kia tôi học tốt những môn xã hội, thậm chí còn có chút năng khiếu thơ văn.
Thi đậu, tôi nghỉ việc ở xí nghiệp thực phẩm, vào làm nhân viên văn phòng trong trung tâm tư vấn với mức lương khiêm tốn. Vừa làm quen với công việc mới, tôi vừa phải sắp xếp sao để việc vừa học vừa làm của mình không gây xáo trộn quá nhiều cho cuộc sống gia đình với hai con nhỏ, một 8 tuổi, một 14 tuổi. Tôi cũng tính lại thu chi để thuê người giúp nấu cơm tối cho chồng và các con vì ai cũng về muộn. Điều thuận lợi là ông xã tôi ủng hộ vợ đổi nghề, phụ tôi chăm, dạy con cái.
Nhiều người thắc mắc, qua tuổi 40, đi học liệu còn tiếp thu hiệu quả? Với tôi, dường như những gì được học đều là những điều mình từng trải qua, giờ được khái quát hóa lại, bên cạnh các kiến thức mới mẻ mở ra cho tôi góc nhìn mới. Điều này tạo ra hứng thú, động lực cho tôi, khiến việc học hành trở nên nhẹ nhàng. Thậm chí tôi còn phấn đấu luôn đạt được kết quả loại giỏi, để được học bổng hằng năm, đỡ khoản học phí.
Về công việc, hằng ngày, ngoài làm việc hành chính ở văn phòng, tham gia các dự án, tôi tranh thủ quan sát, học hỏi kỹ năng từ các chuyên gia khi tư vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại. Trung tâm cũng tạo điều kiện cho tôi tham gia các lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn, nâng cao năng lực thực hiện dự án.
Cứ thế, 4 năm học cũng trôi qua. Sau khi tốt nghiệp, năm 2002, tôi chính thức vào nghề tư vấn tâm lý. Bước vào nghề mới ở tuổi 46, tôi thấy mình luôn tràn đầy năng lượng, hào hứng mỗi sáng đi làm, không giống như trước kia. Tôi khám phá ra những điều mới mẻ ở bản thân khi tiếp xúc, tư vấn cho bao người ở đủ hoàn cảnh, tầng lớp với các câu chuyện, tình huống khác nhau. Càng làm, tôi càng thấy yêu nghề hơn. Cuộc sống của tôi trở nên phong phú hơn. Tôi cảm thấy cuộc đời mình có ích hơn và luôn hạnh phúc vì được làm việc mình yêu thích và có thu nhập đủ sống.
Có lần, gặp lại tôi, sếp ở xí nghiệp cũ cười nói "anh không ngờ em thay đổi và làm được nghề này". Quả thật, hình ảnh tôi trước đây trong xưởng sản xuất và phòng nghiên cứu là luôn cứng nhắc, rất cầu toàn kiểu kỹ thuật - một cộng một nhất định phải bằng hai. Môi trường giao tiếp trong công tác tư vấn cũng giúp bản thân tôi mềm mại, linh hoạt và cởi mở hơn.
Trung tâm tôi làm việc là tổ chức phi lợi nhuận, tự thu chi. Vì thế, ngoài tư vấn trực tiếp tại văn phòng và qua tổng đài 1088, chúng tôi còn phối hợp với các cơ quan, quỹ... để tư vấn tại cộng đồng, thực hiện các dự án cho các đối tượng đặc biệt như vị thành niên, người ở vùng xa xôi... Công việc thì nhiều, mệt nhưng tôi luôn thấy rất vui.
Tôi gắn bó với công việc này tới năm ngoái và luôn cảm thấy lựa chọn đổi nghề là quyết định đúng đắn nhất đời mình. Nhớ lại khi còn trẻ, tôi thấy mình cũng giống với các bạn thanh niên bây giờ trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Hồi đó, mặc dù biết mình có năng khiếu, thiên hướng về xã hội, nhưng tôi vẫn thi khối A, chỉ vì định kiến "đứa nào học dốt mới thì mới thi khối C". Lúc trẻ chưa có lựa chọn phù hợp, chưa thực sự hiểu mình yêu thích, đam mê với cái gì, thì việc đến một lúc nào đó, tự thân sẽ nảy sinh một nhu cầu là phải thay đổi, phải chuyển hướng là một điều gần như là tất yếu.
Với các bạn trẻ, trước khi quyết định đổi nghề, đổi việc, cần suy nghĩ kỹ xem công việc mới cần những yêu cầu gì, mình có đáp ứng được không, tại sao mình muốn đi theo hướng đó. Suy xét rồi, nếu vẫn quyết tâm chuyển đổi thì kiên trì theo đuổi đến cùng, tìm niềm vui trong việc mới. Quyết tâm và niềm yêu thích thật sự sẽ là động lực giúp mình đến đích.
Vương Linh ghi