Cụ thể, việc theo dõi và đánh giá kế hoạch đầu tư đã được đặt ra nhưng công tác giám sát, thanh tra chậm được chú ý, còn lúng túng khi thực hiện. Đến cuối năm 2002, Bộ Kế hoạch Đầu tư mới tổ chức được Vụ Thẩm định và giám sát đầu tư, cuối năm 2003 mới thành lập Vụ Thanh tra kế hoạch đầu tư. Do hoạt động của các đơn vị này chưa thật sự đi vào nề nếp nên công tác giám sát cộng đồng theo quyết định của Chính phủ chưa được đôn đốc triển khai mạnh mẽ.
Ông Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư): Rút kinh nghiệm vụ PMU18, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng các cơ quan quản lý nhà nước về ODA cần rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để khắc phục sự chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý; đồng thời tăng cường phân cấp và chịu trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý và sử dụng ODA. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án ODA. |
Với tư cách là tổ trưởng Tổ công tác ODA của Chính phủ, Bộ chỉ mới tập trung đẩy nhanh việc giải ngân theo tiến độ thỏa thuận với các nhà tài trợ, chưa có điều kiện đi sâu giám sát, đánh giá chất lượng của từng dự án.
Bộ cũng chỉ tập trung sức ở khâu thu hút và vận động nguồn vốn ODA mà chưa quan tâm đúng mức đến khâu theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án. Chưa đề xuất được một hệ thống theo dõi, giám sát có hiệu lực và đi kèm với những biện pháp chế tài cần thiết; chưa có những biện pháp hữu hiệu để các bộ, ngành và địa phương cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cũng như báo cáo theo những qui định hiện hành đối với các chương trình, dự án ODA. Chưa làm được nhiều để góp phần nâng cao kỹ năng quản lý dự án. Bộ cũng chưa trình dự thảo thay thế nghị định 17 hiện hành với nhiều nội dung thay đổi cho phù hợp hơn với thực tế.
Trách nhiệm của các bộ khác
Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng những vụ việc ở PMU18 có nguyên nhân cơ bản trực tiếp nhất là bố trí và sử dụng con người, trong đó vai trò quản lý trực tiếp là Bộ Giao thông vận tải. Bộ còn nhấn mạnh đối chiếu với chu trình của một dự án ODA thì những gì xảy ra ở PMU18 phát sinh trong hai khâu chính: tổ chức thực hiện dự án, theo dõi và đánh giá dự án. Từ thực tế đó, trong thời gian tới đây cần mổ xẻ chu trình này, đặc biệt là đối với khâu tổ chức thực hiện dự án, theo dõi, giám sát và đánh giá dự án.
Về trách nhiệm của Bộ Tài chính đối với vụ PMU18 thì Bộ hầu như không đề cập đến. Nhưng bộ này khẳng định Bộ Tài chính là một trong những cơ quan quản lý nhà nước về ODA, đồng thời viện dẫn một loạt nhiệm vụ đã được qui định tại một số văn bản của Chính phủ. Trong đó nêu rõ Bộ Tài chính có nhiệm vụ theo dõi kiểm tra công tác quản lý tài chính trong việc sử dụng vốn ODA; tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước đối với nguồn vốn ODA; tổng hợp số liệu rút vốn, thanh toán và trả nợ đối với chương trình, dự án ODA...
Vẫn theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, từ thực tiễn của PMU18, cho thấy tình hình tổ chức của các ban quản lý hiện nay có nhiều vấn đề cần được xem xét như tính pháp lý của các ban quản lý dự án; chức năng, nhiệm vụ, cũng như trách nhiệm của các ban quản lý dự án đối với các chương trình, dự án ODA. Đồng thời cũng cần xem xét lại quan hệ giữa cơ quan chủ quản và các ban quản lý dự án, giới hạn trách nhiệm giao cho các ban quản lý dự án, trách nhiệm giám sát của cơ quan chủ quản đối với các ban quản lý dự án...
Bộ cũng thừa nhận rằng vụ PMU18 đang làm dấy lên dư luận của các nhà tài trợ, trong số này có một số nhà tài trợ đã lên tiếng như ngài đại sứ Nhật Bản, các ông giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á... Qua đó, có thể cảm nhận một điều là khi Chính phủ kiên quyết trừng trị nạn tham nhũng thì các nhà tài trợ sẽ được cổ vũ và tiếp tục hỗ trợ VN trên con đường phát triển. Và đây cũng là một trong những vấn đề các nhà tài trợ sẽ quan tâm trao đổi ý kiến với Chính phủ trong hội nghị CG giữa kỳ diễn ra tại Nha Trang vào tháng 6 tới.
(Theo Tuổi Trẻ)