Tại cuộc họp báo chiều 2/6, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Giao thông Vận tải đã trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Bộ này chậm triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc, khiến Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách dự án tự nhận hình thức nghiêm khắc phê bình, rút kinh nghiệm.
Theo ông Đông, thu phí tự động không dừng là dự án mới, đòi hỏi công nghệ hiện đại, tích hợp nhiều nội dung trong khi cơ chế chưa có. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, các vấn đề như vay vốn, kết nối thẻ, chủ phương tiện trả tiền trước hay sau khi qua trạm BOT, phối hợp giữa nhà đầu tư dự án BOT và nhà đầu tư hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC)... đang gặp vướng mắc.
Thay vì triển khai đồng bộ từ năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã trình cấp có thẩm quyền quy định lùi đến đầu năm 2021; đồng thời xác định quyền, nghĩa vụ các chủ thể liên quan khi thực hiện hệ thống ETC, quy định rõ các làn thu phí tại dự án đường bộ và chi phí liên quan.
Ông Đông cũng cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải đã họp đánh giá các nguyên nhân dẫn đến việc chậm triển khai hệ thống ETC, rút kinh nghiệm và chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, từ năm 2019 triển khai đồng bộ thu phí dịch vụ không dừng đối với tất cả tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Trong 93 trạm thu phí trên quốc lộ và cao tốc, Bộ Giao thông Vận tải quản lý 74 trạm, các tỉnh quản lý 19 trạm. Bộ Giao thông Vận tải đã chia hệ thống trạm thu phí BOT thành hai giai đoạn để triển khai. Giai đoạn một (dự án BOO1), áp dụng đối với quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số tuyến cao tốc và quốc lộ khác; giai đoạn 2 (BOO2) áp dụng các trạm còn lại trên toàn quốc.
Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng mới lắp đặt, vận hành 2-6 làn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng (ETC) tại 39 trạm, gồm 26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.
Năm tuyến cao tốc do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chỉ có một tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị; 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai do vướng mắc về nguồn vốn (hiệp định vay vốn các dự án của VEC đã hết hạn) và chỉ đạo thực hiện (VEC chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ tháng 11/2018).
Giai đoạn 2 (BOO2), tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33, hiện cũng có nhiều vướng mắc nên chưa thể thực hiện. Đến nay mới có 6/19 trạm thu phí do địa phương quản lý, được đầu tư và kết nối với dự án BOO1; 6 trạm đồng thuận kết nối với dự án BOO2, nên có thể vận hành ngay khi dự án BOO2 hoàn thành; 7/19 trạm còn lại, địa phương tự tổ chức thực hiện, đến nay vẫn chưa hoàn tất...
Khi sử dụng dịch vụ thu phí tự động, ôtô sẽ được gắn thẻ E-Tag định danh trên kính hoặc đèn xe. Khi xe đi vào làn không dừng, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí BOT sẽ trừ tiền của chủ xe trong tài khoản giao thông. Chủ xe có thể nạp tiền vào tài khoản này bằng tiền mặt, Internet banking... Việc này giúp giảm ùn tắc tại trạm thu phí và tăng tính minh bạch.
Hoàng Thuỳ - Viết Tuân