Trạm thu phí Bỉm Sơn (Thanh Hóa) được lập để hoàn vốn cho dự án đường tránh phía tây TP Thanh Hóa đoạn Km0-Km6. Dự án đưa vào khai thác từ tháng 1/2019, nhưng đến nay nhà đầu tư chưa được thu phí.
Theo phương án ban đầu được cho phép, dự án sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn nhưng trạm nằm trên quốc lộ 1, cách tuyến tránh phía tây khoảng 38 km. Theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thu phí hoàn vốn cho dự án này là không đúng.
Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với địa phương nghiên cứu di dời trạm về tuyến tránh phía tây. Tuy nhiên, phạm vi dự kiến đặt trạm có tới 16 giao cắt với các đường ngang nên tổ chức thu phí sẽ không khả thi.
Do vậy Bộ kiến nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với trạm thu phí này, bố trí vốn ngân sách khoảng 920 tỷ đồng thanh toán cho nhà đầu tư.
Với trạm thu phí quốc lộ 3 hoàn vốn cho dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100, thời gian qua, nhiều chủ phương tiện phản đối nhà đầu tư thu phí trên đường cũ đã cải tạo khiến dự án phải dừng thu phí.
Từ năm 2017 đến nay, trạm BOT quốc lộ 3 chưa được thu phí, trong khi mỗi tháng nhà đầu tư phải trả khoảng 16 tỷ đồng tiền lãi vay. Doanh thu trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới đạt thấp do nhiều xe đi trên quốc lộ 3 thay vì đường mới.
UBND tỉnh Thái Nguyên thống nhất đề nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xóa trạm BOT này trước thời hạn, bố trí vốn nhà nước khoảng 3.250 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.
Dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 đoạn Km14-Km5+889 và quốc lộ 91B đoạn Km0-Km15+793 tại TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Công ty Cổ phần Đầu tư quốc lộ 91 đã lập hai trạm thu phí T1 và T2 trên quốc lộ 91.
Trạm T2 trên địa bàn Thốt Nốt, TP Cần Thơ, thu phí đầu năm 2017, đã bị nhiều tài xế phản ứng vì đặt sai vị trí, thu phí phương tiện đi theo quốc lộ 80 về phà Vàm Cống, Long Xuyên và ngược lại mặc các phương tiện chỉ sử dụng vài trăm mét đường BOT. Sau đó, trạm T2 phải dừng thu phí từ tháng 5/2019 đến nay.
Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với địa phương nghiên cứu xóa bỏ trạm T2, nhà đầu tư thu phí tại trạm T1 để hoàn vốn cho dự án BOT như hợp đồng. Tuy nhiên, phương án này không khả thi do trong khu vực dự án có các tuyến đường song hành, phương tiện được sử dụng không mất phí dẫn đến phân chia lưu lượng, không bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án.
Do đó, Bộ Giao thông Vận tải và UBND TP Cần Thơ thống nhất kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước hạn, bố trí ngân sách nhà nước khoảng 1.870 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.
Trước đây, Chính phủ cho phép nhà đầu tư thu phí trạm thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan (Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng) để hoàn vốn dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Tuy nhiên, việc này không được Quốc hội cho phép do tuyến cao tốc được đầu tư bằng vốn ngân sách.
Việc chậm được hỗ trợ khiến nhà đầu tư gặp khó khăn vì thiếu vốn và phát sinh trả lãi vay. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nếu không thu phí trạm BOT này, Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.280 tỷ đồng để hoàn trả nhà đầu tư.
Trong hơn 70 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, 18 trạm BOT phát sinh các vướng mắc trong quá trình thu phí. Bộ đã rà soát, phối hợp với các địa phương xử lý được 14 trạm thu phí hoạt động bình thường. Còn 4 trạm đã có thời gian dài chưa được thu phí, chưa được xử lý bất cập.