Quan điểm này được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra sau khi có đề xuất của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Theo Bộ, việc VEC đề xuất đầu tư quy mô 8 làn xe với đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là chưa phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch là 10 làn xe).
Ngoài 2 phương thức đầu tư dự án do VEC thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải còn đề nghị bổ sung 3 phương án như đầu tư công, theo phương thức PPP, theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu, nhược điểm của 5 phương án.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá phương án VEC đề xuất ngân sách nhà nước đóng góp 44% tổng mức đầu tư là không khả thi do Bộ không còn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Do đó, Bộ đề nghị VEC cập nhật thông tin, đề xuất phương án có tính khả thi hơn.
Đầu tháng 9, VEC đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây từ Km4+000 đến Km25+920 (nút giao vành đai 2 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) với chiều dài khoảng 21 km.
Theo đó, từ nút giao vành đai 2 đến nút giao vành đai 3 dự kiến mở rộng 8 làn xe và phân kỳ đầu tư kết cấu công trình cầu (móng, mố, trụ với 10 làn xe).
Đoạn từ nút giao vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được phân kỳ làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là 8 làn xe và giai đoạn 2 sẽ mở rộng 10 làn xe theo quy hoạch.
Tổng mức đầu tư mở rộng 21 km cao tốc TP HCM - Long Thành dự kiến là 13.880 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng).