Lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thành phương án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, trình Bộ Giao thông báo cáo Chính phủ vào đầu tháng 10.
"Cùng với lên phương án giải phóng mặt bằng, chúng tôi tập trung vào công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể cho dự án", lãnh đạo ACV nói.
Ngoài ra, ACV cũng đang phối hợp với Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) đánh giá tác động môi trường của dự án sân bay Long Thành, đảm bảo đúng tiến độ vào tháng 3/2019; nghiên cứu hệ thống giao thông kết nối từ sân bay Long Thành về TP HCM cũng như các tỉnh lân cận.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thế, Quốc hội đã bố trí gần 23.000 tỷ cho công tác giải phòng mặt bằng sân bay Long Thành song tiến độ việc này hiện rất chậm, chưa đạt kế hoạch đề ra. Trong khi đó, năm 2018 cần tiến hành giải phóng mặt bằng để năm 2019 thu hồi được một diện tích đất nhất định phục vụ quá trình triển khai dự án.
Do đó, Bộ trưởng yêu cầu ACV phối hợp chặt chẽ với tỉnh Đồng Nai để trong tháng 10 trình Chính phủ phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng.
Trước đó, tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long với tổng mức đầu tư là 22.938 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi 5.399 ha.
Cao tốc Bắc - Nam vướng thủ tục vốn
Theo kế hoạch, đến nay tất cả 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phải được phê duyệt xong dự án đầu tư, nhưng thực tế mới phê duyệt được hai dự án là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn; dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang chuẩn bị phê duyệt.
Theo Bộ Giao thông, thời điểm này vẫn chưa phân bố được vốn, dẫn tới chưa phê duyệt được báo cáo nghiên cứu khả thi của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam còn lại.
Các công việc khác như đấu thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, cắm mốc giải phóng mặt bằng cũng phải chờ thủ tục về vốn.
Để giải quyết vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Vụ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc, giải quyết thấu đáo việc phân vốn cho các dự án.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ, Nam Định đến Bãi Vọt, Hà Tĩnh; từ Cam Lộ, Quảng Trị đến La Sơn, Thừa Thiên Huế; từ Nha Trang, Khánh Hòa đến Dầu Giây, Đồng Nai, Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.