Ngày 31/10, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ đang phối hợp với các bộ ngành tháo gỡ vướng mắc tài chính cho dự án hầm Hải Vân, đồng thời báo cáo Thủ tướng để xử lý. Trước mắt, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả phải linh hoạt cơ chế nguồn lực để xử lý nợ tiền điện của dự án. Đây là hợp đồng kinh tế giữa đơn vị vận hành và ngành điện, chủ đầu tư có trách nhiệm đảm bảo sự vận hành thông suốt của hầm và điều khoản hợp đồng giữa các bên.
"Chủ đầu tư không thể vin vào khó khăn tài chính của dự án để không trả tiền điện và đóng cửa hầm", lãnh đạo Bộ Giao thông nói và cho biết Bộ sẽ sửa đổi Thông tư 35 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp hơn với thực tế, để Công ty CP Đầu tư Đèo Cả làm căn cứ thu phí qua các hầm.
Bộ Giao thông cũng đã đề nghị Thủ tướng chấp thuận phương án sử dụng chung trạm Bắc Hải Vân để thu phí hoàn vốn dự án hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Hải Vân 1 và Hải Vân 2.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, trước mắt doanh nghiệp sẽ tự cân đối kinh phí. Số tiền 2,1 tỷ đồng nợ Điện lực Đà Nẵng không quá lớn, công ty sẽ chuyển trả cho điện lực trong vài ngày tới để duy trì hoạt động hầm Hải Vân. Trước đây phương án tài chính là thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Hải Vân 1. Nếu Chính phủ không thu phí cao tốc nữa thì cần bù đắp kinh phí cho dự án hầm Hải Vân.
"Nguồn thu cho dự án Hải Vân 1 cần được Bộ Giao thông và các cơ quan liên quan tháo gỡ sớm vì nhà đầu tư không thể chịu đựng lâu dài được. Nếu không được xử lý thì hợp đồng kinh tế có thể đưa ra Tòa án giải quyết", ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.
Công ty CP Đèo Cả đang nâng cấp hầm Hải Vân 1 và ứng kinh phí để quản lý vận hành từ tháng 11/2015. Đến nay, doanh nghiệp đã chi 900 tỷ đồng để nâng cấp hầm Hải Vân 1 và hơn 300 tỷ đồng để quản lý vận hành hầm.
Để hoàn vốn dự án, Bộ Giao thông đã phê duyệt phương án tài chính là Công ty Đèo Cả được thu phí tại trạm Nam Hải Vân từ tháng 1/2017. Tuy nhiên, vì trạm Nam Hải Vân nằm sát trạm Bắc Hải Vân (đang thu phí để hoàn vốn cho dự án BOT Phước Tượng - Phú Gia) nên việc thu phí của Nam Hải Vân phải dừng.
Sau đó, Thủ tướng cho phép chủ đầu tư thu phí cao tốc La Sơn - Túy Loan cho dự án hầm Hải Vân 1 và hầm Đèo Cả. Tuy nhiên, Bộ Giao thông đã đề xuất Thủ tướng bỏ trạm La Sơn - Túy Loan do đây là dự án đầu tư theo hình thức BT.
Cách đây hai ngày, ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, doanh nghiệp đang đối diện với nguy cơ không thể tiếp tục chi trả các khoản chi phí quản lý, vận hành hầm Đèo Cả, Hải Vân 1. Nếu những vướng mắc tài chính không được Bộ Giao thông và Chính phủ tháo gỡ, có thể dẫn đến nguy cơ gián đoạn hoạt động của các hầm trong 1-2 tháng tới.
Hầm Hải Vân 1 dài 12 km nối liền tỉnh Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng, là hầm đường bộ dài nhất cả nước, trong đó đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7 km, hầm dài 6,2 km, đường dẫn phía nam 4 km.
Sau 10 năm sử dụng, Bộ Giao thông đã yêu cầu nhà đầu tư - Công ty CP Đầu tư Đèo Cả nâng cấp hầm Hải Vân 1 và ứng kinh phí để quản lý vận hành từ tháng 11/2015. Ngoài ra, do hầm Hải Vân 1 chưa đủ đáp ứng lượng phương tiện gia tăng, Bộ Giao thông đã giao cho Đèo Cả mở rộng hầm Hải Vân 2 với 4 làn xe, phục vụ phương tiện từ năm 2020.