Chiều 14/7, tại cuộc họp về hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ cho biết, một số địa phương kiến nghị dừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy trong khi đa số địa phương vẫn muốn tiếp tục. Lấy ý kiến về việc có tiếp tục hay không, 30/32 địa phương đồng thuận, chỉ hai tỉnh là Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị bỏ loại phí này.
Tuy nhiên, đại diện các bộ Tài chính, Kế hoạch đầu tư và đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông thừa nhận, việc thu phí đường bộ với xe máy đang gặp một số khó khăn, bất cập. Có thể cân nhắc việc dừng thu loại phí này nhưng cũng cần lấy ý kiến đầy đủ các địa phương để tạo sự đồng thuận.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, lãnh đạo Bộ rất băn khoăn việc nên hay không thu phí bảo trì đường bộ với xe máy bởi liên quan ngân sách các tỉnh, nếu không thu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương. Với TP HCM và Hà Nội, nguồn thu từ phí bảo trì đường bộ không đáng kể nhưng với các tỉnh khác thì lại rất cần. Song thực hiện mà không có chế tài xử lý người không nộp thì sẽ rất khó thu, không đạt hiệu quả.
"Bộ Giao thông và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ đề nghị sửa Nghị định 18 để dừng thu loại phí này. Trong khi đó, việc thu phí đường bộ với ôtô cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thời gian qua, Hội đồng nhân dân các tỉnh thành như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đều tỏ ý muốn ngừng thu phí bảo trì đường bộ với xe máy theo nguyện vọng của cử tri. Bất cập được Chủ tịch HĐND Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chỉ ra là thôn làng, tổ dân phố đi thu tiền không ai kiểm tra việc này như thế nào, người nộp người không; chưa có quy định xử phạt người không nộp phí nên gây bất bình đẳng.
Theo Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, đến 30/6, ôtô nộp phí qua 132 trạm đăng kiểm trên cả nước đạt khoảng 2.784 tỷ đồng/4.838 tỷ đồng kế hoạch. Bình quân số thu một ngày tại các trạm đăng kiểm trên địa bàn cả nước là 22,3 tỷ đồng. Dự kiến phí sử dụng đường bộ năm 2015 sẽ tăng khoảng 413 tỷ đồng so với năm trước. |
Đoàn Loan