- Sau khi thực hiện việc rà soát chương trình và sách giáo khoa, Bộ đã có những chỉnh sửa gì và hướng dẫn thế nào cho năm học tới, thưa ông?
- Bộ đã tập hợp tất cả những chỗ sai sót để chỉnh sửa và đang giao Nhà xuất bản Giáo dục in đính chính gửi xuống các địa phương để giáo viên hướng dẫn học sinh điều chỉnh lỗi trong sách. Đồng thời, Bộ cũng mở một mục trên trang web của Bộ về góp ý cho sách giáo khoa. Mọi người đều có thể góp ý và sách giáo khoa sẽ tiếp tục được chỉnh sửa. Thậm chí, mọi người có thể viết lại một bài, viết lại một chương để Bộ nghiên cứu sử dụng.
Năm học này, Bộ GD&ĐT sẽ vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ảnh: Hoàng Hà. |
- Để tránh trùng lặp cũng như tiết kiệm thời gian, việc dạy những môn học có nội dung na ná nhau sẽ được ghép thế nào?
- Dạy học tích hợp là hướng chủ yếu để đổi mới chương trình và nội dung. Trước mắt, Bộ đã rà soát lại ở một số môn và thấy một số phần trùng lặp nhau. Những phần này có thể tích hợp lại để giảm thời gian và Bộ đã có hướng dẫn về việc này. Cụ thể, tích hợp môn Công nghệ với hoạt động ngoài giờ lên lớp, với môn Giáo dục công dân để giảm thời gian lên lớp.
- Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ đổi mới mạnh việc phân cấp cho cơ sở chủ động thời gian năm học. Vậy chủ trương này sẽ được thực hiện thế nào?
- Kể từ năm học này, Chính phủ chỉ đạo giao quyền chủ động cho địa phương về quản lý tài chính, con người, cũng như việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm học. Trong quản lý tài chính, Bộ chủ trương yêu cầu các trường công khai chất lượng giáo dục, kinh phí, điều kiện thực hiện. Đồng thời, đảm bảo kiểm tra thu chi ngân sách, học phí, các nguồn huy động được, cũng như kiểm tra việc kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên.
Các địa phương chủ động bố trí thời gian năm học, thời gian nghỉ Tết, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi địa phương, miễn là đảm bảo khung thời gian chung cũng như mốc kết thúc năm học. Hiện, một số tỉnh đã có quyết định về các mốc thời gian của năm học và chưa gặp phải khó khăn gì.
- Ngoài việc đẩy mạnh phân cấp, điểm mới của năm học này là gì?
- Có 3 vấn đề cần hoàn thành trong năm học này. Thứ nhất, các trường cần có đủ công trình vệ sinh, giữ vệ sinh sạch sẽ. Thứ hai, đưa trò chơi dân gian vào trường học và việc này các trường mầm non đã làm khá tốt. Thứ ba, nhận chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa.
Chủ đề năm học này sẽ nhấn mạnh tới công nghệ thông tin, đổi mới tài chính, trường học thân thiện, học sinh tích cực. Đồng thời, các địa phương tích cực huy động trẻ 5 tuổi tới trường để giúp các em có sự chuẩn bị tốt trước khi vào lớp 1.
- Thứ trưởng vừa nói tới việc giao quyền chủ động về tài chính cho trường, vậy năm học này, Bộ đã có chỉ đạo gì các địa phương khi mà các khoản thu đầu năm thường trở thành gánh nặng của phụ huynh?
Tin liên quan
- Lấy ý kiến toàn dân về chương trình dạy học và SGK- 'Mổ xẻ' nội dung sách giáo khoa- Năm học tới, tăng thời gian học từ 35 lên 37 tuần- Bộ không chỉ đạo việc thu quỹ lớp. Muốn làm giáo dục tốt, cần tăng các nguồn xã hội hóa giáo dục, nhưng các khoản thu này phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, sử dụng có hiệu quả, thiết thực, công khai. Vậy nên, năm nay, những khoản thu chi của trường sẽ được xem xét rất kỹ.
- Vừa qua, trận lũ lịch sử ở các tỉnh phía Bắc đã gây thiệt hại lớn về người và của. Vậy Bộ đã chỉ đạo các tỉnh này thế nào để chuẩn bị tốt cho các em bước vào năm học mới?
- Trước hết, Bộ đã có công văn hướng dẫn các địa phương chủ động đánh giá thiệt hại và tìm giải pháp khắc phục tại chỗ. Bộ yêu cầu, sau khi báo cáo tình hình thiệt hại, các địa phương sẽ đề xuất hỗ trợ. Trên cơ sở đó, ngành sẽ giao cho các đơn vị trong hỗ trợ các địa phương khó khăn. Đây là việc làm thường niên. Năm nay ở miền Bắc, năm ngoái ở miền Trung...
Tiến Dũng thực hiện