Điểm sàn này áp dụng cho phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT với nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Mức cụ thể với từng ngành (đã bao gồm điểm ưu tiên, không nhân hệ số) của tất cả tổ hợp 3 môn như sau:
Ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt vẫn có điểm sàn cao nhất - 22. Tiếp đến là Y học cổ truyền và Dược với mức nhận hồ sơ xét tuyển từ 21. Các ngành còn lại lấy 19. So với năm 2019, mức sàn này tăng 1 điểm.
GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, cho rằng ngưỡng sàn này không có quá nhiều ý nghĩa với Đại học Y Hà Nội bởi năm nào điểm trúng tuyển cũng cao hơn nhiều so với mức sàn. Tuy nhiên với nhiều trường khác, nhất là khối dân lập, đây là việc quan trọng, quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và sự phát triển của trường.
TS Phạm Văn Tác, Cục trưởng Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng cho rằng việc tăng mức sàn thêm 1 điểm so với năm ngoái là phù hợp vì kết quả thi cao hơn. Với mức 19-22 điểm, những trường top dưới cũng không khó khăn trong tuyển sinh vì nguồn tuyển lớn.
Ông Tác cho biết thêm tới đây, các trường top dưới sẽ phải cố gắng hơn nhiều vì sẽ có hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực. Nếu học xong không được cấp chứng chỉ người học không được hành nghề. "Vì vậy, quá trình đào tạo mới là yếu tố quan trọng và quyết định", ông Tác nói.
2020 là năm thứ hai Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng cho nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Với quy định này, chất lượng đầu vào các trường có đào tạo Y Dược, đặc biệt là trường tư thục tăng lên đáng kể.
Năm ngoái, trong nhóm đại học đào tạo nhóm ngành sức khỏe, Đại học Y Hà Nội có điểm trúng tuyển cao nhất, từ 19,9 đến 26,75. Trường này dự kiến điểm chuẩn năm nay tăng khoảng 2-3 điểm. Riêng ngành Y khoa có khả năng tiệm cận ngưỡng điểm kỷ lục năm 2017 (29,25).