Đề Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 gồm hai phần Đọc hiểu và Làm văn.
Ở phần Làm văn, câu hỏi 2 điểm yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, qua đoạn trích bài thơ "Đi qua cơn giông". Câu hỏi này bị cho là khá giống với câu nghị luận xã hội trong đề thi vào lớp 10 của Hà Nội hồi đầu tháng 6, nói về nguy cơ làm người thân lo lắng khi mỗi người không làm chủ được cảm xúc.
Câu về nghị luận văn học yêu cầu phân tích một đoạn trích trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của tác giả. Nhiều người cho rằng phần ngữ liệu trong câu này trùng khớp với một đề thi thử của liên trường THPT ở Nghệ An hôm 15-16/5.
Những người chỉ trích cũng lo ngại sự "thiếu sáng tạo" của đề thi quy mô quốc gia, dành cho hơn một triệu thí sinh.
Tại họp báo sau kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều 29/6, GS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng ban đề thi tốt nghiệp THPT, bác bỏ lo ngại trên.
Theo ông Hà, năm nay lần đầu tiên Bộ tìm cách kiểm soát những phần trùng lặp nội dung ở các cuộc thi khác bằng cách đưa dữ liệu vào phần mềm để lọc.
"120 GB dữ liệu đã được đưa vào, gồm những đề đã thi và những câu hỏi chúng tôi tìm được trên mạng. Phần mềm sẽ lọc dữ liệu để hạn chế đưa vào đề thi chứng thức những phần bị phát hiện trùng lặp", ông Hà nói. Không chỉ với Văn, cách làm này được áp dụng với tất cả môn thi tốt nghiệp THPT.
Cụ thể, ông Hà cho hay đề thi Văn tốt nghiệp THPT lấy ngữ liệu ở bài "Vợ nhặt", trùng với ngữ liệu đề thi thử môn Văn ở Nghệ An, tuy nhiên, câu hỏi khác nhau. Đề Văn của Nghệ An yêu cầu thí sinh phân tích về tính mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám. Hơn nữa, ban ra đề không biết đến đề thi này nên không thể đưa vào phần mềm lọc.
"Việc này là bình thường vì chương trình có 17 tác phẩm văn học, trong đó chỉ được sử dụng 15 tác phẩm do giảm tải", ông Hà chia sẻ.
Tương tự, câu Làm văn 2 điểm và đề thi lớp 10 Hà Nội đều liên quan đến "cảm xúc" nhưng đề thi tốt nghiệp hỏi về "cân bằng cảm xúc" - mức độ cao hơn so với chủ đề "làm chủ cảm xúc" ở đề lớp 10.
Ông Hà cho biết sau buổi thi Văn lớp 10 ở Hà Nội, ban ra đề thi đã biết và đưa vào thảo luận nhưng nhận thấy hai đề khác nhau, không ảnh hưởng gì.
Ngoài ra, với nhận xét đề Văn "cũ" cả về nội dung và cách hỏi, ông Hà nhìn nhận ở phần Đọc hiểu, việc sử dụng ngữ liệu "Bài thơ đi qua cơn giông", tác phẩm ngoài sách giáo khoa, đã là một điểm mới. Tổ ra đề đã hướng tới những nội dung thiết thực về các vấn đề xã hội, thời sự, có tính giáo dục.
Với phần nghị luận văn học, đến năm 2025, khi lứa học sinh đầu tiên học theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) thi tốt nghiệp, đề sẽ mở và tính sáng tạo cao hơn.
Gợi ý đáp án đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2023
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh. Trong đó, hơn 943.300 thí sinh sử dụng kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Ngữ văn là môn tự luận duy nhất trong kỳ thi. Các giáo viên nhận xét đề có cấu trúc quen thuộc, vừa sức nên học sinh trung bình không khó đạt 5-6 điểm, học lực khá có thể 7 điểm.
Hai năm qua, trong số khoảng 980.000 thí sinh thi tốt nghiệp môn Văn của cả nước, mức điểm trung bình là 6,5. Điểm 7 là mức nhiều thí sinh đạt được nhất. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Văn dao động 11-12% tổng số thí sinh dự thi.
Thanh Hằng - Dương Tâm