Sáng 28/6, hơn một triệu thí sinh đã hoàn thành bài thi Ngữ văn - môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi dài một mặt giấy, gồm hai phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm). Thời gian làm bài 120 phút.
Xem đề thi, gợi ý đáp án môn Ngữ văn
Đánh giá chung, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Phú Yên, nhận xét cấu trúc đề thi, các dạng câu hỏi nghị luận xã hội, nghị luận văn học đều quen thuộc, ổn định trong nhiều năm nay. Do đó, học sinh sẽ thấy nhẹ nhàng, không áp lực hay bất ngờ. Đổi lại, sự quen thuộc khiến đề thiếu sự đột phá.
Ở phần Đọc hiểu, đề thi sử dụng ngữ liệu là trích đoạn trong bài thơ "Đi qua cơn giông", sau đó yêu cầu thí sinh xác định thể thơ; chỉ ra từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè; nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh; rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân dựa vào suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình".
Cô Phạm Thị Thanh Nga, giáo viên Văn trường THCS và THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, đánh giá ngữ liệu Đọc hiểu giàu hình ảnh, gợi cảm xúc, gần gũi thí sinh. Các câu hỏi được sắp xếp theo các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Cô Phạm Thị Kim Anh, giáo viên môn Ngữ văn, trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, nhận định các dạng câu hỏi của phần này bám rất sát đề tham khảo năm nay và đề thi chính thức năm ngoái.
Cô giáo cho rằng câu hỏi về thể thơ, tìm từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè không làm khó thí sinh, vì các em dễ tìm được câu trả lời ngay trên ngữ liệu. Câu hỏi về tác dụng của biện pháp tu từ ở mức độ thông hiểu, nhưng "cũng nhẹ nhàng và quen thuộc" với thí sinh. Yêu cầu rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân cho phép thí sinh sáng tạo, liên hệ thực tế với những bài học khác nhau, song cô Kim Anh lưu ý các em phải bám sát câu thơ mà đề bài nhắc tới.
Với phần Làm văn, câu hỏi 2 điểm yêu cầu thí sinh viết đoạn văn khoảng 200 chữ, trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống, dựa vào đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu hỏi 5 điểm - nhiều nhất đề thi - đưa ra đoạn trích thuộc phần cuối truyện ngắn "Vợ nhặt" của tác giả Kim Lân. Đề thi yêu cầu thí sinh phân tích đoạn trích, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của tác giả. Cô Kim Anh cho rằng đây không phải đoạn trích hay nhất trong truyện ngắn "Vợ nhặt", nhưng rõ tư tưởng của nhà văn.
"Đây là câu hỏi có tính chất phân hóa thí sinh. Nếu chắc kiến thức, có khả năng tổng hợp, đánh giá thông tin, các em sẽ không bị làm khó", cô giáo nói.
Đồng tình với quan điểm này, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn, trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, cũng cho rằng câu hỏi về tác phẩm "Vợ nhặt" sẽ làm nhiệm vụ phân hóa thí sinh. Theo thầy, đề yêu cầu phân tích đoạn văn, không đề cập tới nhân vật cụ thể nào, nên sẽ làm khó học sinh trung bình. Sở dĩ, trong quá trình ôn tập, các em thường được làm quen với kiểu đề phân tích nhân vật. Đoạn trích được sử dụng cũng được thí sinh đánh giá là ít chi tiết để khai thác, khó viết dài.
"Nếu không hiểu bài, thí sinh chỉ 'láp nháp' được vài dòng. Chỉ những em hiểu kỹ tác phẩm và có khả năng khai thác mới làm tốt câu này, viết bài có chiều sâu", thầy Đức Anh nói.
Các giáo viên nhận xét thí sinh có kỹ năng làm bài sẽ dễ đạt 7 điểm, nhưng để đạt từ 8 trở lên, các em cần làm tốt câu nghị luận văn học.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh. Trong đó, hơn 943.300 thí sinh sử dụng kết quả vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Sau bài thi Ngữ văn, chiều nay, các thí sinh tiếp tục thi Toán trong 90 phút. Ngày mai, thí sinh làm một trong hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội vào buổi sáng, chiều thi Ngoại ngữ.
Nhóm phóng viên