Trong văn bản gửi chủ tịch các tỉnh, thành tối 18/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định mô hình VNEN không phù hợp với Việt Nam. Theo Bộ đây là phương pháp dạy học tiên tiến của thế giới, đã thử nghiệm ở các trường phổ thông và cho kết quả tốt. Phương pháp này được UNESCO, chuyên gia giáo dục quốc tế khuyến cáo chọn thử nghiệm tại Việt Nam.
Sau 3 năm thử nghiệm, mô hình giúp tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ trong nhà trường và lớp học; học sinh tích cực, tự lực, tự quản trong học tập; mối liên hệ giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và cộng đồng được tăng cường.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Giáo dục, việc áp dụng mô hình này chưa phù hợp với điều kiện của nhiều địa phương nên gặp khó khăn. Trong những năm đầu triển khai, một số nơi chưa nhận thức đầy đủ về mô hình và điều kiện áp dụng; cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng một cách máy móc.
Bên cạnh đó, việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sĩ số lớp học đông dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
Những ưu điểm và bất cập này đã được Bộ nghiêm túc rút kinh nghiệm. Từ đó Bộ đề nghị các địa phương đang triển khai mô hình VNEN thì tiếp tục làm trên cơ sở tự nguyện. Với các cơ sở giáo dục không áp dụng VNEN thì có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình để bổ sung vào phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.
Ngoài ra, các địa phương có thể áp dụng mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn; tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh và dư luận xã hội.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt là VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình đạt được những thành công vang dội và mau chóng được nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.
Sau khi áp dụng mô hình vào Việt Nam, có rất nhiều ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng với thực trạng học sinh Việt Nam đang bị hao hụt dần vốn văn hóa thì đây là giải pháp tuyệt vời để góp phần bảo tồn nếp sống văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt. Tuy nhiên, đại đa số giáo viên đều "than" gặp khó khăn, không phù hợp với điều kiện sống, nhu cầu của đại đa số học sinh.
M.Khôi