Ngày 6/11, Vụ trưởng Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đã giải đáp về đào tạo nhân lực y tế trong dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Thị Kim Phụng. |
Về quy định trình độ, văn bằng giáo dục đại học đối với đào tạo nhân lực y tế, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo luật quy định trình độ, hình thức đào tạo bao gồm đại học, thạc sĩ và tiến sĩ (khoản 1 điều 6) không phù hợp với nghề y. Lý do là thời gian đào tạo lâu hơn, chương trình phức tạp hơn.
Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, theo kinh nghiệm ở một số nước, việc quản lý tổ chức đào tạo, quy định trình độ nghề và cấp chứng chỉ nghề nghiệp chuyên sâu thường thuộc thẩm quyền của hiệp hội nghề nghiệp hoặc cơ quan quản lý chuyên môn. Việc quy định tên văn bằng gắn với tên vị trí việc làm (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư...) trong hệ thống giáo dục quốc dân không phổ biến trên thế giới, chỉ gặp trong mô hình đào tạo của Liên Xô và một số nước Đông Âu trước đây.
"Ban soạn thảo đã tham khảo Luật Giáo dục đại học của một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Đức, Trung Quốc... thì chưa thấy có nước nào quy định về đào tạo bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú trong luật", bà Phụng nói.
Về quy định trình độ giảng viên, dự thảo Luật Giáo dục đại học yêu cầu chuẩn chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn việc công nhận thế nào với các bác sĩ công tác tại bệnh viện - người có trình độ chuyên môn tay nghề giỏi và đang tham gia giảng dạy?
Vụ trưởng Phụng cho hay, quy định chuẩn giảng viên đại học phải có bằng thạc sĩ trở lên đã có từ Luật Giáo dục đại học 2012. Khái niệm chuẩn giảng viên trong Luật Giáo dục đại học của hầu hết các nước cũng đề cập đến trình độ và văn bằng của người giảng dạy tại cơ sở giáo dục đại học, theo hệ thống văn bằng giáo dục quốc gia. Đa số nước trên thế giới còn quy định chuẩn giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học phải là tiến sĩ.
"Theo Luật hiện hành và tiếp nối theo dự thảo, đối với người giảng dạy thực hành tại các cơ sở thực hành của khối ngành sức khỏe có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay nội trú vẫn là giảng viên, nếu đáp ứng quy định của Nghị định số 111/2017. Nếu đồng thời có bằng thạc sĩ trở lên thì giảng viên đó được tính hệ số 1. Nếu chưa có bằng thạc sĩ trở lên thì giảng viên đó được tính hệ số giảng viên thấp hơn", bà Phụng nói.
Vụ trưởng Giáo dục Đại học cho biết, khi sửa Luật Giáo dục đại học, ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Bộ Y tế về tính đặc thù trong đào tạo nhân lực ngành, trong đó có nội dung quan trọng là trình độ và văn bằng đại học. Ở một số dự thảo trước, Ban soạn thảo đã đưa nhiều quy định về nhân lực (bác sĩ, dược sĩ...) như Điều 6 (quy định về trình độ đào tạo), Điều 33 (mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 38 (Cấp văn bằng chứng chỉ), Điều 45 (liên kết đào tạo)... và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, quá trình lấy ý kiến góp ý, không ít chuyên gia, đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng các trình độ của giáo dục đại học chỉ nên là: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như hầu hết quốc gia.
"Nếu quy định trình độ tương đương thì không minh bạch, khó có cơ chế kiểm soát. Nếu quá nhiều điều giao cho Chính phủ quy định sẽ làm rối và có thể làm giảm hiệu lực của văn bản luật", bà Phụng nói.
Trong dự thảo trình Quốc hội xem xét lần này, Ban soạn thảo đã tổng hợp các vấn đề cần quy định riêng trong Điều 73 và giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Cụ thể, khoản 1 điều 73 được sửa đổi bổ sung thành: Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian, chương trình, điều kiện tổ chức, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng, chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực sức khỏe và một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù.
Cách làm này, theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nhằm đảm bảo văn bản luật có tính liền mạch, ổn định, tránh tình trạng mỗi điều/vấn đề lại có quy định riêng bên cạnh, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Đây cũng là cách tạo thuận lợi trong quá trình hướng dẫn, áp dụng vào điều kiện của Việt Nam.
Ngoài Điều 73, dự thảo còn 3 điều có quy định riêng cho lĩnh vực sức khỏe là: Điều 33 (mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 45 (liên kết đào tạo).
Tại phiên thảo luận ngày 6/11 của Quốc hội về Luật Giáo dục đại học sửa đổi, nhiều đại biểu đã đề xuất quy định trình độ riêng cho đào tạo nhân lực y tế. Nội dung chương trình đào tạo phức tạp hơn, thời gian dài hơn, sau đại học là chuyên khoa sâu, bác sĩ chuyên khoa 1, 2, hay học nội trú với tổng thời gian lên đến 9 năm. "Những người này không thể cùng với trình độ và văn bằng là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ được, trong khi trình độ văn bằng chuyên sâu lại chưa được quy định trong dự thảo luật", đại biểu Lê Thị Yến nói.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt cũng trăn trở việc Luật Giáo dục đại học hiện hành và dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi bỏ trình độ và văn bằng chuyên sâu, trong khi Điều 39 Luật giáo dục năm 1998 có quy định và hướng dẫn cụ thể. Điều này khiến bà và nhiều cán bộ y tế cảm thấy bị gạt ra khỏi hệ thống giáo dục đào tạo chung và không biết mình đang đứng ở đâu, ai công nhận.
Trước đó, Bộ Y tế cũng có ý kiến về tính đặc thù, trình độ, văn bằng đào tạo nhân lực ngành y trong dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi.