Ngày 3/5, Vụ phó Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực hỗ trợ học sinh Mai Nhật Anh và thầy giáo Mai Văn Quyền (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An), để được cấp visa sang Mỹ tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF). Máy biến nước biển thành nước ngọt của Mai Nhật Anh và Phùng Văn Long là một trong tám đề tài được Bộ Giáo dục lựa chọn qua vòng thuyết trình tiếng Anh, từ 25 dự án giải nhất Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Vụ phó Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành. |
"Cục Hợp tác quốc tế đã gửi email cho Đại sứ quán Mỹ để hỗ trợ phỏng vấn lần ba học sinh Mai Anh và thầy giáo Quyền. Vụ Giáo dục trung học đồng thời gửi email cho Ban tổ chức cuộc thi Intel ISEF nhờ can thiệp", ông Thành nói.
Trước đó, từ tháng 4 khi làm quyết định cử tám dự án xuất sắc, đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi Intel ISEF, Bộ Giáo dục đã gửi công hàm sang Đại sứ quán Mỹ, đề nghị hỗ trợ cấp visa cho các thành viên. Cá nhân Vụ phó Thành cũng hướng dẫn học sinh, giáo viên ghi thông tin trong tờ khai của Đại sứ quán.
Sau lần đầu phỏng vấn, một số thầy cô, học sinh của tỉnh Nghệ An, Gia Lai, TP HCM bị từ chối. Bộ Giáo dục đã đề nghị Sở Ngoại vụ các tỉnh gửi công hàm tới Đại sứ quán Mỹ nhờ can thiệp, đồng thời gửi email cho Ban tổ chức cuộc thi.
Trong lần phỏng vấn thứ hai (ngày 2/5), chỉ còn học sinh Mai Nhật Anh và giáo viên hướng dẫn Mai Văn Quyền (tỉnh Nghệ An) bị khước từ visa.
"Nhật Anh là trưởng nhóm đề tài nghiên cứu. Trong những lần trình bày bằng tiếng Anh, em đều thể hiện rất tốt. Do đó, việc trượt visa của học sinh này và giáo viên Quyền không phải vì khả năng ngoại ngữ", ông Thành khẳng định.
Hơn 6 năm dẫn học sinh tham dự kỳ thi Intel ISEF, ông Thành cho biết chỉ gặp khó khăn xin visa từ năm 2017, do Mỹ thắt chặt chính sách. Năm ngoái, học sinh Phạm Huy (tỉnh Quảng Trị) được Bộ cử đi thi nhưng hai lần bị trượt visa. Sau nhiều hỗ trợ tích cực từ Bộ Giáo dục, Huy được phỏng vấn đặc cách và cấp visa để kịp sang Mỹ dự kỳ thi này. Đề tài cánh tay robot cho người khuyết tật của Huy đã giành giải ba cuộc thi, là thành tích cao nhất của đoàn Việt Nam.
Nam sinh có thể bổ sung hồ sơ
Trả lời VnExpress, ông Pope Thrower, người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, Điều 222(f) Luật Di trú và Quốc tịch Mỹ (INA) không cho phép tiết lộ thông tin từ hồ sơ visa, bao gồm cơ sở cho việc cấp hay từ chối, cho bất kỳ người nào, ngoại trừ đương đơn.
Về visa nói chung, ông Pope Thrower cho biết luật pháp Mỹ đưa ra nhiều tiêu chuẩn, theo đó một hồ sơ visa có thể bị từ chối. Lý do là đương đơn không đáp ứng yêu cầu cho loại visa mà họ đăng ký, hoặc thông tin qua xem xét cho thấy đương đơn nằm trong phạm vi theo quy định pháp luật là không được chấp nhận, hay không đáp ứng yêu cầu.
"Nếu đương đơn cảm thấy có thông tin bổ sung, hoặc có thay đổi đáng kể về hoàn cảnh kể từ lần nộp hồ sơ gần nhất, họ có thể nộp lại hồ sơ visa", người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ nói.
Tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2017-2018, có 25 dự án đoạt giải nhất (13 dự án phía Bắc và 12 phía Nam). Sau vòng thi thuyết trình bằng tiếng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn ra 8 dự án xuất sắc, đại diện Việt Nam tham dự vòng quốc tế - Intel ISEF 2018 diễn ra tại Mỹ vào ngày 12-20/5 tại Pittsburgh, Pennsylvania. Danh sách 8 dự án: 1. Nghiên cứu chế tạo nano silica chứa tâm màu Fluorescein Isothyocyanate (FITC) và nano lõi silica bọc vàng định hướng định vị và tiêu diệt tế bào ung thư của học sinh Đặng Vũ Bảo và Nguyễn Hà Phương Thảo (THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng). 2. Hệ thống chưng cất nước mặn thành nước ngọt với kỹ thuật chân không bằng bơm thủy lực bởi năng lượng sóng biển của học sinh Phùng Văn Long và Mai Nhật Anh (THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An). 3. Xe lăn leo cầu thang dùng cử chỉ của đầu, giọng nói và điện thoại thông minh của học sinh Nguyễn Hữu Thành Đạt và Nguyễn Công Khánh (THPT Chuyên Bắc Ninh). 4. Khả năng hấp thụ và phóng thích thuộc Famotindin của mạng lưới cấu trúc 3D-nano-cellulose (M3NC) lên men từ chè xanh (Camellia sinensis) của Bùi Minh Thy và Phan Thị Huyền My (THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai). 5. Nghiên cứu nồng độ các chất trung gian dẫn truyền thần kinh hệ Dopaminergic, Serotonergic trong nước tiểu và mối liên quan với biến đổi hành vi người nghiện game của học sinh Lê Hà Khoa và Nguyễn Phương Nam (THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội). 6. Kính hỗ trợ đọc văn bản dành cho người khiếm thị của Nguyễn Hoàng Minh Khôi và Vũ Phương Thảo (THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM). 7. Nghiên cứu phát triển liệu pháp thực khuẩn thể nhằm thay thế kháng sinh trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng của học sinh trường THPT Trần Phú (Hải Phòng). 8. SAC - Người bạn đồng hành của trẻ tự kỷ của học sinh trường THPT Trần Phú (Hải Phòng). Intel ISEF là hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12), được tổ chức tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 1.500 học sinh trung học từ trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Intel ISEF trao hơn 600 giải cá nhân và đội thi đấu với tổng giá trị lên đến 4 triệu đôla Mỹ. |