Nội dung này nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, công bố hôm 6/12.
Cơ quan này cho biết từ tháng 8/2018 đến tháng 9/2022, nhiều đơn vị liên kết đã tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, dù chưa được cấp phép. Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã buông lỏng, chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời sai phạm cũng như chấn chỉnh, xử lý, gây bức xúc trong xã hội.
Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ rà soát hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp giải quyết vi phạm, khắc phục hậu quả nếu có, đảm bảo quyền và lợi ích của người thi. Cùng đó, Bộ cần chấn chỉnh việc phê duyệt hoạt động thi chứng chỉ, đảm bảo minh bạch, không để phát sinh tiêu cực và bức xúc.
Nghị định 86/2018 của Chính phủ (có hiệu lực tháng 8/2018) quy định việc liên kết đào tạo và tổ chức cấp chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2022, Bộ mới ra thông tư hướng dẫn, yêu cầu các đơn vị làm đề án, trình Bộ xem xét, hạn trong gần hai tháng. Nhiều bên không kịp nên phải đồng loạt dừng tổ chức thi IELTS, TOEFL (tiếng Anh), HSK (tiếng Trung), TOPIK (tiếng Hàn), NAT- TEST (tiếng Nhật).
Nhiều người sốc bởi dịp này trùng với đợt nộp hồ sơ du học Mỹ và châu Âu (chứng chỉ ngoại ngữ là bắt buộc). Ngoài ra, nhiều đại học tuyển sinh bằng chứng chỉ quốc tế kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, hoặc dùng công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên.
IDP - một trong hai đơn vị được tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS tại Việt Nam sau đó bị Bộ kết luận cấp sai 56.200 chứng chỉ. Hơn 90.000 chứng chỉ Aptis của Hội đồng Anh bị tương tự. Trước phản ứng, Bộ cho biết vẫn công nhận giá trị các chứng chỉ này, thí sinh và các trường được sử dụng bình thường.
Thời điểm đó, Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành thông tư hướng dẫn là nguyên nhân khiến các đơn vị tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ không thể nộp hồ sơ xin cấp phép.
Thanh Hằng