Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 7/2 đăng nội dung trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu bỏ xét tuyển đại học bằng học bạ. Cử tri cho rằng hiện nay, nhiều tiêu cực nảy sinh trong việc "chạy điểm", "làm đẹp" học bạ ở các nhà trường.
Trong công văn trả lời, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường đại học tuyển sinh bằng các hình thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai.
Quy chế tuyển sinh đại học do Bộ ban hành cũng chỉ quy định nguyên tắc để đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các trường, còn trường đại học được tự chủ và chịu trách nhiệm về phương thức tuyển sinh. Vai trò của Bộ là chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế này.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển đại học hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.
Trong khoảng ba năm gần đây, xét học bạ trở thành phương thức xét tuyển đại học phổ biến, bên cạnh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trên cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức này.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành khoảng 240.000 chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ và xét tuyển kết hợp học bạ với các tiêu chí khác, chiếm 40% tổng chỉ tiêu xét tuyển đại học. Tỷ lệ nhập học của phương thức xét học bạ là 36,2%, cao thứ hai trong 18 phương thức, chỉ sau xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (52,3%).
Thanh Hằng