Khoảng 22h30 ngày 6/4, Lữ đoàn 249, Binh chủng Công binh đang triển khai máy móc và vật liệu đổ bê tông chân khay cầu tại bến Tam Nông. Lúc này xe cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn xin qua cầu.
Thượng tá, lữ đoàn phó Nguyễn Văn Tú, chỉ huy công trường, đề nghị xe quay lại đi đường cầu Ngọc Tháp (cách hơn 40 km) để đảm bảo an toàn và tiến độ thi công.
Khi nghe tài xế và y tá cho biết trên xe có một bệnh nhi đang nguy kịch, cần đến viện cấp cứu, thượng tá Tú quyết định dừng mọi hoạt động, chỉ huy chiến sĩ thu dọn máy móc, dẹp đường cho xe qua cầu phao Phong Châu.
Sau khi xe qua, các chiến sĩ công binh bắt đầu bơm nước, trộn bê tông lại từ đầu, rạng sáng hôm sau hoàn tất thi công.

Xe cấp cứu của Trung tâm y tế huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ dừng trước cầu phao Phong Châu chuẩn bị đổ bê tông, tối 6/4. Ảnh: Văn Tú
Anh Mai Hải Đăng, 23 tuổi, lái xe cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, cho biết tối 6/4 chở bé Hà Nhật Hạ, 18 tháng tuổi, sốt 40 độ, viêm phổi nặng, suy hô hấp, lên Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ.
Do TP Việt Trì vừa bắn pháo hoa dịp Giỗ Tổ, các tuyến đường đều ùn tắc, anh Đăng quyết định đi qua cầu phao Phong Châu dù biết hàng ngày cầu ngừng hoạt động từ 21h để thi công.
Được các chiến sĩ công binh mở cầu, tạo điều kiện, anh Đăng đã kịp đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Sản nhi Phú Thọ trước 23h.

Xe cấp cứu chạy qua cầu Phong Châu, tỉnh Phú Thọ sau khi được Lữ đoàn Công binh 249 hỗ trợ, tối 6/4. Ảnh: Văn Tú
Anh Hà Văn Chang, 30 tuổi, bố của bé gái, gửi lời cảm ơn các chiến sĩ và đội ngũ y tế đã hỗ trợ gia đình trong lúc nguy cấp. Sức khỏe bé đã ổn định, dự kiến xuất viện trong vài ngày tới.
Cầu phao Phong Châu được Binh chủng Công binh lắp đặt từ ngày 30/9/2024, sau sự cố sập cầu Phong Châu sáng 9/9/2024 khiến 8 người gặp nạn.
Cầu phao được lắp đặt cách vị trí cầu cũ khoảng 400 m, giúp người dân các huyện Tam Nông, Lâm Thao, TP Việt Trì đi lại dễ dàng hơn, không phải đi vòng qua cầu Ngọc Tháp xa hơn 40-50 km.
Quỳnh Nguyễn