Cầu sập kéo theo nhiều ôtô, xe máy
Khoảng 10h ngày 8/9, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông của Phú Thọ bị sập, trôi hai nhịp thép.
Ông Ngô Đức Sáu, Phó chủ tịch UBND huyện Lâm Thao (Phú Thọ), cho biết cầu Phong Châu sập trong điều kiện thời tiết phức tạp, nước sông dâng cao. Khoảng 1/2 cầu phía bên huyện Tam Nông đã rơi xuống sông Hồng.
Anh Phan Trường Sơn, 50 tuổi, ở Khu 10, xã Hương Nội, cho biết đang đi trên đường thì nghe tiếng động lớn, chưa kịp phản xạ quay lại thì cả người và xe rơi xuống nước. "Cảm giác rơi xuống đáy sông", anh nói. Sau đó, người đàn ông lấy hết hơi để bơi, khi ngoi lên được mặt nước thì đuối sức không thở được, "tưởng không sống được nữa".
May mắn, anh vớ được cây chuối, được mọi người trên thuyền gần đó cứu lên. Bệnh nhân chấn thương phần mềm, tỉnh táo nhưng vẫn còn hoảng loạn, lo lắng.
Anh Nguyễn Minh Hải (30 tuổi) kể khoảng 10h ngày 9/9 chở theo anh Bùi Quý Trọng (33 tuổi) di chuyển qua cầu Phong Châu theo hướng từ huyện Lâm Thao về Tam Nông. Khi đang đi với tốc độ 20 km/h được hai phần ba cầu, anh thấy có dấu hiệu rung lắc và chỉ một giây sau thì cầu sập.
"Chúng tôi cùng xe máy rơi xuống sông. Theo phản xạ, tay tôi vẫn nắm chặt tay lái xe máy, còn Trọng ngồi im phía sau", Hải kể, cho biết chưa đầy 10 giây, cả hai ngã xuống mố cầu, nằm chồng lên nhau.
Trọng thì cho biết khi nghe tiếng "uỳnh" từ phía sau, chưa kịp ngoái lại nhìn thì hai anh em cùng chiếc xe máy rơi thẳng xuống dưới cầu. Kế đó là chiếc container đi ngược chiều rơi xuống, lập tức bị dòng nước cuốn phăng. "Lúc đó tôi nghĩ mình sắp chết rồi. Nhưng may mắn là chúng tôi cùng chiếc xe máy mắc lại thành cầu, cách dòng nước 4-5 m", Trọng nói.
Ngoái nhìn lên cây cầu, Trọng thấy phần là khoảng trống lớn. Mặt nước sông Hồng lúc này chảy xiết, cuốn một số phương tiện ra xa. Vài phút sau, người dân phát hiện Hải và Trọng nên hô hoán cứu trợ. Vì không tìm được dây thừng nên ba, bốn người dân nắm chặt tay nhau, thả người xuống, kéo hai nạn nhân lên.
Anh Ngô Tuấn Hùng, nhà ở Việt Trì cách cầu Phong Châu khoảng một km cho biết lúc gần 10h, anh di chuyển bằng ôtô từ phía Lâm Thao sang huyện Tam Nông, khi xe qua được vài trăm mét thì cầu sập.
Theo anh, khi đi qua cầu đã thấy nước sông Hồng cuộn chảy "rất đáng sợ" nhưng nghĩ là do nước thượng nguồn đổ về nhiều. Khi qua cầu khoảng 5 phút đưa vợ về nhà, anh quay lại cầu thì thấy mặt cầu đã biến mất, dưới sông Hồng không có dấu tích của người và phương tiện.
"Một số người chứng kiến cho biết có chiếc container và ôtô 4 chỗ, vài chiếc xe máy đã bị cuốn trôi xuống sông. Khi tôi qua cầu khá đông xe cộ cùng lưu thông", anh kể.
Anh Lĩnh, trú ở huyện Thanh Thủy, lái taxi chở khách qua cầu Phong Châu vào lúc 10h. Vừa đi qua được 10 m, anh nghe thấy tiếng "uỳnh" rất lớn, khoảng 30-40 m cầu sập xuống. "Quan sát qua gương, tôi thấy có hai xe đầu kéo, cả xe tải, ôtô con và xe máy rơi xuống, rất kinh hoàng", anh Lĩnh nói.
Huy động nhiều lực lượng tìm kiếm cứu nạn
Sau khi nhận tin báo, Quân khu 2 chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ huy động lực lượng, tàu, xuồng đến hiện trường vụ sập để tìm kiếm nạn nhân. Xe cứu thương và y, bác sĩ cũng túc trực, sẵn sàng sơ cứu người được đưa lên.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch huyện Tam Nông, cũng cho biết lực lượng chức năng đang tích cực tìm kiếm. Do điều kiện thời tiết phức tạp, các cơ quan cũng chưa thể xác định con số thương vong cụ thể.
Lãnh đạo xã Phùng Nguyên (huyện Lâm Thao) cho biết có ôtô và xe máy rơi xuống sông cùng đoạn cầu sập. Hai người rơi ở khu vực gần đầu cầu đã được phát hiện, đưa đến bệnh viện. "Chưa thể biết chính xác về thương vong thời điểm này", vị lãnh đạo nói.
Ông cho biết hiện nay quân đội đã huy động nhiều tàu thuyền và phương tiện đặc chủng để tìm kiếm, cứu nạn. Tuy nhiên, do nước chảy quá siết, các lực lượng chưa thể đưa phương tiện xuống tiếp cận hiện trường.
Đến khoảng 12h cùng ngày, Công an tỉnh Phú Thọ thông báo hướng dẫn di chuyển cho các phương tiện tránh lộ trình cầu Phong Châu.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi công điện giao Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn "đến ngay hiện trường". Lãnh đạo Chính phủ sẽ phối hợp với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ kiểm tra, triển khai công tác khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tập trung cứu hộ, cứu nạn với những nạn nhân vụ sập cầu.
Bộ trưởng Quốc phòng, Công an được giao "huy động ngay" mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các địa phương liên quan khẩn trương cứu hộ, cứu nạn với nạn nhân sập cầu. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phối hợp cùng UBND tỉnh Phú Thọ và các đơn vị liên quan khắc phục hậu quả vụ sập cầu.
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ khẩn cấp điều động nhân lực, thiết bị tham gia khắc phục sự cố và tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ công trình và đường. Cục đề xuất sử dụng vật tư dự phòng tại Khu quản lý đường bộ 1 và các đơn vị để khắc phục sự cố hư hỏng.
Khu quản lý đường bộ 1 bố trí người, phương tiện tham gia hỗ trợ với Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ để nhanh chóng khắc phục sự cố hư hỏng công trình, rà soát vật tư dự phòng và các bộ dầm cầu dùng cho công tác khắc phục thiên tai, sẵn sàng điều động khi có yêu cầu.
Cứu hộ gặp nhiều khó khăn do dòng nước dữ
Tại hiện trường, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết bước đầu cơ quan chức năng xác định có khoảng 10 ôtô, hai xe máy và khoảng 13 người dân mất tích. Con số này sẽ tiếp tục được cập nhật.
Theo ông Phớc, Thủ tướng đã chỉ đạo thực hiện khắc phục thiệt hại, trong đó giao quân đội, công an chủ trì cùng Bộ Giao thông vận tải và địa phương xem xét, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn người bị nạn, cứu chữa cho những người bị nạn được tìm thấy. Lực lượng chức năng cũng chốt chặn 2 đầu, không cho lưu thông, đảm bảo an toàn cho người dân.
Cơ quan chức năng đang soi, chiếu, tìm kiếm xung quanh bờ. Các thợ lặn, phương tiện cũng sẽ rà soát, tìm kiếm nạn nhân. Khó khăn lớn nhất hiện nay theo ông Phớc là nước dâng lớn và chảy xiết, ảnh hưởng công tác cứu hộ. Các cơ quan đang tính toán phương án làm cầu phao tại đây để đảm bảo lưu thông và không cho phương tiện thủy lưu thông, trước khi bàn việc xây dựng cầu mới.
Tại hiện trường, hai đầu cầu Phong Châu bị phong tỏa khoảng một km, cấm toàn bộ phương tiện lưu thông. Trên bờ, gần 100 chiến sĩ sẵn sàng tham gia cứu nạn. Do nước sông Hồng chảy xiết, một số đội cứu hộ đã đưa dây xuống sông song vẫn chưa tiếp cận được phương tiện dưới lòng sông.
Trung tướng Phạm Đức Duyên, Chính ủy Quân khu 2, cho biết Quân đội đang bố trí nhiều xuồng đi dọc bờ sông, bờ đê tìm kiếm nạn nhân. Đến khoảng 13h, ba người đã được cứu, đưa vào Trung tâm Y tế Tam Nông cấp cứu, chẩn đoán ban đầu chấn thương phần mềm.
Lữ đoàn Công binh 543 của Quân khu đang phối hợp Sở Giao thông Vận tải tỉnh và Công an tỉnh triển khai xuồng cứu hộ, cứu nạn. Nhưng do nước chảy quá mạnh và xiết nên các phương án trục vớt gặp nhiều khó khăn. Thuyền cứu hộ đưa xuống sông lập tức bị cuốn trôi.
Họp khẩn tại Phú Thọ về công tác cứu nạn, cơ quan chức năng cho biết để đảm bảo giao thông, trước mắt có hai phương án là sử dụng phà, hoặc là cầu phao. Tuyến đường sông này ít phương tiện thủy qua lại nên có thể làm cầu phao cố định, về lâu dài phải làm cầu mới chứ không thể sửa chữa cầu cũ.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết để đảm bảo an toàn tìm kiếm cứu hộ, lực lượng chỉ có thể triển khai khi điều kiện thời tiết cho phép.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các cơ quan nhanh chóng rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân. Khi nước cao sóng to thì các lực lượng tổ chức tìm kiếm ven bờ, lúc điều kiện cho phép thì mở rộng phạm vi tìm kiếm. Phú Thọ cần cứu chữa, động viên người bị nạn và thân nhân; di dời dân khi lũ lụt dâng cao; đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)... để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Ông yêu cầu Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông và chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ. Bộ Giao thông Vận tải đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới bảo đảm vững chắc, lâu bền.
Nguyên nhân ban đầu của sự cố
Theo Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 và làm sập hai nhịp dàn chính của cầu là nhịp 6 và nhịp 7.
Cầu Phong Châu được xây dựng, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995. Cầu được xây dựng bằng thép và bêtông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu, tải trọng thiết kế 18 tấn. Phần đường xe chạy 7 m, lề người đi mỗi bên 1 m; bề rộng mặt cầu 9,5 m. Cầu gồm 8 nhịp, trong đó hai nhịp 6 và 7 được chế tạo từ hai nhịp giàn giản đơn 64 m do Bulgari chế tạo.
Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa, thay 4 dầm nhịp 8, dán sợi thủy tinh và sợi carbon gia cường dầm, thay thế bulông cường độ cao bị đứt gãy, han gỉ; tẩy gỉ bằng phun cát sau đó quét sơn chống gỉ cho phần hạ bộ của hệ dàn thép; sửa chữa mặt cầu bằng, thảm bêtông nhựa dày 5 cm, thay thế các khe co giãn cũ. Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Năm 2019, cầu Phong Châu được xử lý xói lở trụ T7, tăng cường 8 cọc khoan nhồi bêtông cốt thép và gia cường khả năng chống va xô. Kết quả kiểm định cầu vào thời gian này cũng đánh giá không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua cầu.
Năm 2023, cầu tiếp tục được sửa chữa, tẩy gỉ, sơn lại toàn bộ các thanh mạ thượng, thanh đứng, thanh xiên; thay thế khe co giãn trên trụ T5, T6, T8 bằng khe co giãn răng lược và sửa chữa phần bêtông phía trước khe đã bị nứt vỡ; kiểm định cầu.
Công an tỉnh Phú Thọ đã phát thông báo khẩn truy tìm tung tích, thông tin nạn nhân liên quan vụ sập cầu Phong Châu để phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn.
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.