Hội đồng quản trị của hệ thống giáo dục California nhất trí kéo dài việc không dùng điểm SAT và ACT để tuyển sinh ít nhất đến hết năm 2021, sau năm 2025 sẽ bỏ hẳn. Thay vào đó, trường xác định ứng viên tài năng để trao học bổng bằng bài kiểm tra khác.
Đại học California cho biết, quyết định này được cân nhắc từ tháng 4 sau khi chứng kiến giáo dục thế giới bị xáo trộn nặng nề bởi Covid-19. Việc bỏ SAT và ACT trong tuyển sinh được hy vọng có thể làm giảm bê bối và gian lận trong tuyển sinh đại học, hạn chế việc bố mẹ chạy điểm, chứng chỉ cho con.
Bên cạnh những ý kiến tán đồng, nhiều người cho rằng quyết định này "cực kỳ thiếu sót và không công bằng". Việc không dùng SAT, ACT để tuyển sinh mà tổ chức kỳ thi riêng có thể làm gia tăng áp lực và gánh nặng học tập cho học sinh nếu các em muốn nộp hồ sơ vào nhiều trường, phải tham gia nhiều kỳ thi.
Mặc dù các trường có tỷ lệ cạnh tranh cao như Stanford hoặc khối Ivy League vẫn chưa thông báo ngừng tuyển sinh bằng hai loại chứng chỉ này, quyết định của California được nhận định chắc chắn gây ảnh hưởng đến hình thức và yêu cầu tuyển sinh của các đại học Mỹ khác.
"California là một trong những đại học tốt nhất thế giới, vì vậy bất kỳ quyết định nào của họ cũng sẽ ảnh hưởng đặc biệt tới hệ thống giáo dục trong nước và học sinh, sinh viên quốc tế muốn du học Mỹ", Tery Hartle, Phó chủ tịch cấp cao tại Hội đồng Giáo dục Mỹ, nói.
Việc này cũng làm dấy lên lo ngại sinh viên nghèo, da màu và người Tây Ban Nha sẽ không được đối xử công bằng khi không có bài thi chuẩn hóa trung lập.
College Board, đơn vị tổ chức thi SAT, phản đối quyết định này. Hiện Đại học California có khoảng 300.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nếu không dùng kết quả thi SAT, College Board có thể mất hơn một tỷ USD mỗi năm từ sinh viên muốn vào California nói riêng và đại học Mỹ nói chung.
Trước đó vào cuối tháng 4, 51 đại học và cao đẳng tại Mỹ bỏ yêu cầu điểm SAT, ACT trong tuyển sinh ít nhất đến kỳ học mùa thu 2021, nâng tổng số trường không dùng kết quả hai bài thi chuẩn hóa này tại Mỹ lên hơn 1.000.
Thanh Hằng (Theo New York Times)