Tâm lý và cách xử lý của người tham gia giao thông lúc vào giao lộ mà gặp đèn xanh, đỏ, vàng hiện nay chưa đồng nhất nên tôi muốn nói thêm về khía cạnh này.
Nhiều người cố vượt khi đèn đỏ đang đếm ngược, ảnh hưởng rất lớn từ cách nghĩ làm tròn, khi bị nói thì họ bảo "có ba giây thôi mà, đâu có nhiều, đâu có ảnh hưởng gì nhiều đâu", giống như ra chợ thừa 500 đồng thì nhiều người bán không trả và nhiều người mua cũng ngại khi đòi vậy. Tôi tạm tính những người này là người tốt nhưng họ không đánh giá đúng hành động của mình và tiếp tục tiếp diễn.
Khi đèn xanh còn ba giây, có hai điều tôi muốn nói. Một là tăng ga phóng qua giao lộ để tránh đèn đỏ, đi nhanh giải phóng giao lộ thì đường càng thông thoáng.
Kiểu thứ hai là đi từ từ vì đèn sắp chuyển màu rồi. Tất cả mọi người đều có lý do mà mọi người coi đó là hợp lý, chính đáng. Tôi coi tất cả mọi người đều là người tốt, chỉ là mọi người chưa nghĩ tới hành động của mình tác động đến xung quanh ra sao nên từ trước tới nay mọi người vẫn hành động theo thói quen như vậy.
Đầu tiên, bên đèn xanh khi còn ba giây, do mỗi người xử lý tình huống một cách khác nhau không đồng nhất, người phanh, người tăng ga nên nhìn toàn thể thì dòng xe này đang tự cản trở di chuyển, tự giảm tốc độ của dòng xe, chưa kể khả năng va chạm sẽ tăng lên.
Còn bên đèn đỏ, do có xe đèn đỏ còn ba giây mà đã từ từ tiến vào giao lộ thành ra dòng xe kia cũng không dám đi nhanh do lo sợ sẽ gặp va chạm. Kết cục là tốc độ ở giao lộ sẽ bị giảm.
So sánh với khi không có đèn thì sao? Bên đèn xanh sẽ không ai nhìn thấy 3 giây nữa và sẽ không còn hiện tượng người phanh, người vít ga nữa. Như vậy nó sẽ thành dòng xe chảy qua giao lộ một cách trơn tru hơn.
Tôi mong mọi người hãy đi với tốc độ bình thường giống như ở những nơi không phải là giao lộ (đương nhiên là cần chú ý quan sát hơn bởi khả năng xảy ra tai nạn sẽ cao hơn chỗ khác) đồng thời thoát giao lộ đúng luật, an toàn, nhanh chóng.
Về đèn vàng, có nhiều người lo ngại khi gần tới vạch dừng thì đèn "đột ngột" chuyển vàng. Tôi thấy từ "đột ngột" mà mọi người dùng ở đây không đúng. Chúng ta đều biết đèn có khả năng chuyển vàng khi gần tới vạch mà, có lẽ do nhiều người nghĩ rằng bắt buộc phải phanh để dừng trước vạch nên họ dừng từ "đột ngột" ở đây.
Nhưng không phải vậy, cách xử lý thì tôi đã đề cập ở bài viết trước. Nếu thấy không đủ khoảng cách để dừng trước vạch một cách an toàn thì hãy đừng giật mình mà bóp phanh, hãy tự tin đi tiếp và nhanh chóng thoát khỏi giao lộ. Trường hợp đó nhiều người lo sẽ bị phạt vì lỗi vượt đèn vàng thì bạn không hề sai luật. Hãy tự tin lấy điện thoại ra tra luật. Luật cho phép bạn đi qua đèn vàng nếu việc dừng xe gây nguy hiểm.
Bên đèn đỏ nếu không có bộ đếm giây thì sao? Những người "tốt" ở trên sẽ mất đi lý do "chỉ là ba giây thôi mà " và số người vượt sẽ giảm nhiều. Không có bộ đếm giây nhưng mọi người vẫn có thể biết khi nào đèn sắp chuyển xanh bằng cách nhìn đèn hướng vuông góc. Nên việc tắt máy xe hoàn toàn có thể làm được mà không cần bộ đếm ngược.
Mặt khác khi không có bộ đếm thì mọi người sẽ có thời gian để quan sát và hiểu hơn về sự hoạt động của đèn giao thông thay vì chăm chăm nhìn vào số giây đếm sẵn.
Một điều nữa tôi muốn nhắc tới đó là tâm lý đám đông thường xuất hiện ở dòng người chờ đèn đỏ này. Đó là khi đèn săp chuyển xanh thì mọi người sẽ nổ máy trước. Người đằng sau chỉ nổ máy không có nghĩa là họ giục người đỗ đằng trước rằng"hãy đi đi" nhưng có thể có nhiều người nghĩ vậy và họ đi. Người sau thấy người trước đi thì họ cũng đi và cả đoàn cùng từ từ vượt ba giây đèn đỏ.
Một lần nữa, tôi muốn mọi người hãy tự tin rằng mình hiểu luật, mình đi đúng luật. Đèn xanh thì ta đi, đâu cần suy nghĩ gì nhiều. Thực tế giao thông ở Việt Nam có nhiều xe máy, tức là có nhiều người cùng tham gia giao thông hơn so với các nước như Nhật, Hàn... nhưng cũng chính vì thế mà việc bỏ đếm giây lại càng có hiệu quả bởi nó chỉ cho người tham gia giao thông bốn lựa chọn khi vào giao lộ như tôi đã nói ở bài trước đó là : xanh đi, đỏ dừng, vàng dừng nếu có thể dừng an toàn, vàng đi tiếp nếu không đảm bảo an toàn.
Nếu mọi người thống nhất cách xử lý khi qua giao lộ thì tôi nghĩ dòng xe sẽ chảy trơn tru mà không xung đột nhau, đồng thời cũng dễ dàng phán đoán hành động của những phương tiện xung quanh hơn để tránh né kịp. Các bạn có thể đọc lại bài "Tôi ngạc nhiên khi người Nhật nhấn ga vượt đèn vàng" để hiểu và sử dụng đèn giao thông đúng cách. Cám ơn mọi người.
thubn0406