"Cách đây hơn 10 năm, tôi đã bỏ cuộc sau khi học nghiên cứu sinh. Thực sự, làm nghiên cứu sinh (NCS) khó vô cùng. Muốn đóng học phí, tôi vẫn phải đi làm để kiếm tiền nuôi gia đình.
Nếu nhìn xa hơn một chút, trở thành tiến sĩ thì tôi cũng không biết phải làm gì tiếp theo vì công việc của tôi không liên quan gì đến nghiên cứu.
Tuy nhiên, bỏ dở NCS không có nghĩa là tôi dừng việc học, tôi vẫn tiếp tục tự học suốt 10 năm qua.
Những kiến thức đó tôi áp dụng trực tiếp vào công việc hàng ngày. Đến bây giờ, tôi có thể tự tin rằng việc bỏ học đó của mình là hoàn toàn sáng suốt".
Độc giả nickname mini chia sẻ câu chuyện của mình như trên, sau bài viết Nỗi lo ít người học tiến sĩ.
Theo đó, năm cao nhất, cũng chỉ có hơn 3.000 người học tiến sĩ, chưa đạt một nửa chỉ tiêu, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của nền khoa học công nghệ nước nhà.
Trong số hơn 240 trường đại học ở Việt Nam, gần 100 trường đào tạo bậc tiến sĩ. Tổng chỉ tiêu từ 5.000 đến hơn 7.000 mỗi năm trong giai đoạn 2019-2024.
Số nghiên cứu sinh các trường tuyển mới đang tăng dần nhưng vẫn chưa năm nào đạt được 50% tổng chỉ tiêu, theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học qua, các trường tuyển được gần 3.400, đạt 47% tổng chỉ tiêu. Năm học 2022-2023 chỉ hơn 2.400, tương đương 42%. Hai năm trước đó tuyển được 25% và 34%.
Giống như mini, độc giả Xuyến Xuyến chia sẻ từng có dự định thi NCS nhưng gặp khó khăn trong việc tìm được một công việc phù hợp với chuyên ngành:
"Thật sự tôi cũng có dự định thi NCS từ năm 2023. Nhưng sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Dược chuyên ngành Bào chế thuốc, tôi vẫn khó tìm được nơi làm phù hợp với chuyên ngành.
Chi phí học NCS không có đề tài được tài trợ của ngành Dược trong 5 năm khoảng một tỷ đồng. Và khi ra trường, nếu không có người dẫn dắt, chắc cũng khó phát triển. Nên tạm thời dừng lại đam mê vậy".
Số liệu năm 2021, quy mô đào tạo trình độ tiến sĩ của Việt Nam là khoảng 12.000 người. Tính tỷ lệ trên dân số, con số này chưa bằng một phần ba so với Malaysia và Thái Lan, bằng một phần hai so với Singapore và xấp xỉ một phần chín so với trung bình 38 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Các chuyên gia từ nhiều trường đại học nhận định số lượng người học tiến sĩ của Việt Nam hiện quá ít so với yêu cầu thực tế. Điều này gây ra tác động xấu với sự phát triển của giáo dục đại học nói riêng và nền khoa học - công nghệ nói chung.
Đưa ra một góc nhìn khác về việc theo đuổi học tiến sĩ, độc giả nikcname hoanhbinhxd nói:
"Với bản thân tôi có một số nhận định như sau:
1. Học tiến sĩ nếu chỉ để kiếm một công việc giảng viên với mức lương 10 triệu đồng một tháng thì cái giá đó quá cao với chi phí đầu tư. Nhưng nếu học xong mà đảm bảo được mức lương 50 triệu đồng một tháng thì chắc chắn số lượng người học sẽ tăng lên.
2. Môi trường để giúp cho người học TS và nghiên cứu sau TS rất quan trọng. Nếu học xong mà không được tạo điều kiện để nghiên cứu phát triển thì việc học cũng vô ích.
3. Việc học TS cũng cần có sự trong sáng. Học vì muốn nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học chứ không phải vì mục đích nâng lương, giữ ghế. Dạy vì muốn giúp cho nghiên cứu sinh phát triển khả năng nghiên cứu. Có như vậy thì có những người TS chất lượng, khả năng nghiên cứu được đảm bảo".
Còn độc giả duynt88 nhấn mạnh vào vấn đề tài chính và tính thực tiễn sau khi tốt nghiệp:
"Có một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, làm sao đảm bảo được thu nhập khi đi học?
Thứ hai, học xong phải vận dụng được (dùng trình độ để kiếm tiền).
Hiện tại, ngoài việc đi học, người học còn phải lo bươn chải rất nhiều thứ và không có nhiều thời gian cho nghiên cứu. Sau khi học xong, cũng không có nhiều nơi phù hợp để phát triển thì rất khó tiếp tục theo đuổi đam mê.
Vì vậy, đa số chỉ có giáo viên và một số công chức là có đủ thời gian để đi học và cũng phải cày bằng cấp để tăng lương. Trong khi đó, nhiều nhân tài lại chọn đi làm kiếm tiền sau khi học xong đại học hoặc thạc sĩ.
Tôi cũng từng như thế, học xong thạc sĩ nhưng thấy phí. Tìm được công việc dạng nghiên cứu rất khó, thu nhập không cao so với bằng cấp. Thôi thì đi làm công ty vẫn ổn hơn".
Thành Đô tổng hợp