Đặng Thái Thanh Trang, ở TP HCM, thi IELTS lần đầu tiên năm 17 tuổi và được 6.5. Trang sau đó sang New Zealand du học ngành kinh tế theo chương trình liên kết giữa Đại học Kinh tế TP HCM và Đại học Victoria. Tốt nghiệp năm 2016, Trang ở lại New Zealand làm việc hai năm, sau đó về Việt Nam lập nghiệp. Cô gái 27 tuổi hiện khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.
Lần thi IELTS hôm 12/5 tại Hội đồng Anh ở TP HCM là lần thứ ba của Trang, với mục đích kiểm tra trình độ tiếng Anh và đánh giá xem cách học đã đúng chưa. Sau một tháng ôn chuyên sâu, Trang đạt 8.5, trong đó hai kỹ năng 9.0 và Speaking 8.5.
Trang cho hay bài thi Speaking gồm ba part (phần) và diễn ra trong khoảng 20 phút. Part 1 thường là những câu hỏi chung về bản thân và vài chủ đề tương tự như gia đình, công việc, học tập và sở thích. Cô không hài lòng lắm với phần thể hiện ở part 1 vì lúc này chưa làm quen được với giám khảo. Trang thích nói đùa để tạo không khí thoải mái nhưng giám khảo khó tính và không hưởng ứng.
Ở part 2, Trang lấy lại tinh thần và làm tốt hơn. Đề bài yêu cầu miêu tả một ai đó lớn tuổi hơn mà cô ngưỡng mộ. Trang cho biết cách cô tiếp cận lần này khác với lần thi trước. Trong một phút chuẩn bị, cô đã không cố gắng ghi các ý chính ra giấy. Thay vào đó, cô nhắm mắt lại, nhớ về những kỷ niệm đã có với người mình muốn nói. Lần ấy, Trang nói về sếp cũ có ảnh hưởng lớn và dạy cô nhiều điều.
"Cách làm này giúp tôi như đang kể chuyện chứ không phải trả lời câu hỏi. Tôi cảm nhận theo nội dung câu chuyện đang kể một cách rất tự nhiên. Có lẽ đây là lý do tôi giành điểm fluency (trôi chảy) và coherence (mạch lạc)", Trang nói.
Trong hai phút làm part 2, Trang bố cục bài nói như sau: 20 giây giới thiệu người đó là ai (sử dụng relative clause - mệnh đề quan hệ), một phút kể về kỷ niệm quen nhau thế nào, học được gì từ người đó (tập trung nói đúng thời, thì), 30 giây trình bày lý do ngưỡng mộ người đó (sử dụng câu điều kiện và dạng thức so sánh).
"Tôi nhìn đồng hồ của giám khảo, đoán còn khoảng 10 giây nên hỏi 'I still have time?' (Tôi vẫn còn thời gian chứ?) để câu giờ và đúng lúc kết giờ", Trang kể.
Trang cho biết đã sử dụng nhiều phrasal verbs (cụm động từ) và idioms (thành ngữ) trong bài. Cô cho rằng thỉnh thoảng nên cho vào bài nói một số từ hay để giám khảo ấn tượng, giúp bạn nâng điểm từ vựng. Cô khuyên nên học theo bộ sách Collins 4 kỹ năng để lên trình từ vựng.
Bài thi part 3 khó hơn hai phần trước nên Trang dành 1-2 giây để suy nghĩ, thay vì trả lời ngay. Giám khảo có thể hiểu cho các bạn vì câu hỏi đòi hỏi suy nghĩ đa chiều, cũng như đưa ra một câu trả lời có tính phức tạp hơn.
"Tôi đã không vội, thỉnh thoảng có thể nói những câu như: 'Tôi không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này' hoặc 'Thầy đợi một chút cho em suy nghĩ vì câu này khá khó'. Lần đó, giám khảo hỏi lại: 'Tại sao bạn nghĩ câu này khó?', tôi đã đưa ra lý do và từ đó mở ra câu trả lời", Trang kể.
Khi không rõ câu hỏi, cô hỏi ngược lại giám khảo để nhờ họ làm rõ. Việc hỏi lại không ảnh hưởng đến điểm số của bạn.
Trước khi thi 2 tháng, Trang bắt đầu hỏi bạn bè xung quanh, những người cùng trình độ hoặc giỏi hơn để ghép đôi luyện tập. Tiêu chí của Trang khi chọn bạn cùng học là sự nghiêm túc và có lịch làm việc phù hợp để dễ lập kế hoạch.
Sau 2 tuần tìm kiếm, Trang gặp một bạn có kinh nghiệm làm giáo viên IELTS 2 năm. Trang và bạn học với nhau mỗi ngày 3 tiếng, tập trung 100% vào Speaking, còn các kỹ năng khác tự luyện ở nhà. Cả hai học ở mọi nơi, từ quán cà phê, siêu thị, nhà hàng, thư viện hoặc online, bằng việc sử dụng tiếng Anh hoàn toàn.
"Chúng tôi học theo flash card (thẻ mang thông tin, hình ảnh hoặc chữ số), topic (chủ đề) hoặc những chuyện xem được ở trên báo trong vòng 3 tuần. Đây là khoảng thời gian bạn phát triển cách nói chuyện thân mật, giúp nhau sử dụng phrasal verbs và idioms", Trang nói.
3 tuần trước khi thi, cả hai học trong thư viện, đóng vai giám khảo - thí sinh như bài thi thật và cho phản hồi cũng như chấm điểm cho nhau.
Bình Minh