Bộ Công Thương vừa yêu cầu TKV và Tổng công ty Đông Bắc, trong bất kỳ trường hợp nào, không để thiếu than cho sản xuất điện theo hợp đồng đã ký. Bộ lưu ý đặc biệt tới việc cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện BOT sử dụng than trong nước, nhằm tránh xảy ra tình trạng phía Việt Nam phải bồi thường do ngừng máy vì thiếu nhiên liệu.
Một trong số nguyên nhân khiến thiếu 30% than cho sản xuất điện trong tháng 2 là dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Quảng Ninh, khiến các nhà máy thiếu lao động làm việc tại hầm lò, mỏ.
Ngoài ra, giá than tăng cao trên thị trường thế giới. Trong số sản lượng than cung ứng cho sản xuất điện, có nguồn than nhập khẩu về phối trộn để phát điện. Giá than quốc tế tăng kỷ lục cùng việc vận chuyển hàng khó do các lệnh trừng phạt từ căng thẳng Nga - Ukraine... cũng tác động tới việc cung ứng than cho sản xuất điện.
Với EVN, Bộ này yêu cầu có giải pháp điều độ hệ thống điện quốc gia phù hợp tình hình thực tế, chỉ đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0) thông báo kế hoạch huy động cập nhật hàng tháng cho chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than. Việc này để kịp thời thu xếp nguồn than, đảm bảo đủ nhiên liệu cho các nhà máy trong những tháng còn lại năm 2022.
Năm ngoái, tổng khối lượng than TKV cấp cho các nhà máy điện của EVN gần 16,2 triệu tấn. Khối lượng than dự kiến cung ứng năm nay là 18,08 triệu tấn.
Tại cuộc họp cung ứng than cho điện cuối năm ngoái, EVN cho rằng, phụ tải năm 2022 rất khó dự báo, khả năng nhu cầu than các nhà máy nhiệt điện, nhất là khu vực phía Nam sẽ biến động lớn, cần có cơ chế linh hoạt, điều chuyển than giữa các nhà máy, hoặc mở rộng dải điều chỉnh khối lượng để phù hợp với nhu cầu thực tế của các nhà máy.