Câu chuyện người tiêu dùng mất 'oan' hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng vì cách tính giá xăng dầu một lần nữa được chú ý sau khi Bộ Công Thương có văn bản nêu quan điểm gửi tới các cơ quan báo chí ngày 14/3. Trước đó, việc doanh nghiệp được hưởng thuế thấp khi nhập khẩu từ một số thị trường (do ưu đãi theo quy định của các hiệp định thương mại tự do) nhưng vẫn tính giá bán cho người tiêu dùng với thuế suất cao đã khiến dư luận bức xúc, bởi việc thay đổi cách tính giá nằm trong tay cơ quan quản lý.
Tại văn bản phát đi chiều nay, Bộ Công Thương - một trong 2 đơn vị được Chính phủ giao điều hành kinh doanh xăng dầu - cho rằng trách nhiệm chủ trì quản lý về giá thuộc về đơn vị còn lại là Bộ Tài chính, với căn cứ là Nghị định 83. Do vậy, trách nhiệm của Bộ Công Thương là "tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính" để sớm có giải pháp tài chính tổng thể, xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trao đổi với VnExpress sau thông tin này, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết vẫn trong quá trình nghiên cứu giải pháp nên hiện chưa đưa ra quan điểm cụ thể.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu người tiêu dùng chịu thiệt trong các cuộc phối hợp và điều chỉnh chính sách của các cơ quan điều hành.
Sau khi ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tháng 11/2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 165 về biểu thuế nhập khẩu để doanh nghiệp thực hiện với thuế nhập xăng là 20% (thay vì 35% trước đó), dầu diesel, madút về 5%. Thông tư này có hiệu lực từ 1/1/2015, song thực tế doanh nghiệp bắt đầu được hưởng từ 10/3, sau khi có giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định.
Trong khi đó, phải đến ngày 14/4, cơ quan quản lý mới tiếp tục ban hành Thông tư 48, giảm thuế suất nhập khẩu với xăng dầu từ Dung Quất và các thị trường ngoài ASEAN về bằng ATIGA. Cách tính giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng từ đó mới được điều chỉnh giảm theo. Như vậy, trong hơn một tháng, doanh nghiệp nhập khẩu đã được hưởng chênh lệch lên tới 15% với xăng, 25% với diesel và 30% đối với dầu ma dút, dầu hoả. Với giá nhập cảng (CIF) xăng RON 92 tại thời điểm này là 75,4 USD một thùng (10.019 đồng một lít), người tiêu dùng đã phải "trả thêm" khoảng 1.500 đồng cho khi tiêu thụ một lít xăng.
Cùng với doanh nghiệp, ngân sách cũng không chịu thiệt trong lần điều chỉnh chính sách nêu trên, khi thuế bảo vệ môi trường lúc này lại tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng mỗi lít xăng. Bộ Công Thương và Bộ Tài chính khi đó đều khẳng định việc này không làm tăng giá bán, song cũng thừa nhận một trong những lý do dẫn đến quyết định tăng thuế là nhằm bù đắp hụt thu cho ngân sách Nhà nước.
Trong khi đó, khi soạn thảo và thực hiện Nghị định 83 về điều hành xăng dầu, cơ quan điều hành luôn khẳng định các động thái đưa ra đều nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Thuế phí chiếm 55% giá xăng Với xu thế giảm giá nói chung từ giữa năm 2015, tổng số tiền thuế phí mà người dùng phải nộp khi mua nhiều loại xăng dầu hiện đã cao hơn giá trị nhập khẩu của bản thân hàng hóa. Tại lần công bố gần nhất (3/3), giá nhập khẩu xăng RON 92 vào Việt Nam là 44,8 USD một thùng, tương đương 6.190 đồng một lít. Giá bán lẻ cùng lúc phổ biến được áp dụng là 13.750 đồng. Như vậy, số tiền thuế phí mà người mua phải trả là gần 7.600 đồng, chiếm tỷ lệ 55%. Con số này cao hơn nhiều mức 43% của cùng kỳ năm ngoái. Trong số thuế phí nêu trên, thuế nhập khẩu là 1.238 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 743 đồng, chi phí định mức của doanh nghiệp là 1.050 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.284 đồng. Tương tự, các mặt hàng xăng dầu khác cũng có mức thuế phí tương đối cao (đơn vị: đồng / lít, kg):
|
Bạch Dương - Kỳ Duyên