Khi nhập xăng dầu, doanh nghiệp phải nộp thuế và về nguyên tắc, khoản này sẽ được tính vào giá bán cho người tiêu dùng.
Thuế nhập khẩu thực tế từ các thị trường có sự khác nhau trong những năm gần đây, khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, nơi mà các hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ. Hai trong số này là các hiệp định với ASEAN và Hàn Quốc. Riêng ASEAN từ trước đến nay vẫn là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn nhất của Việt Nam.
Với sản phẩm nhập từ ASEAN, thuế áp dụng trong năm 2015 với dầu diesel và madút là 5% và từ 1/1/2016 là 0% (thuế với xăng vẫn là 20%, tương tự các thị trường khác). Từ đầu năm nay, thêm thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10% (thấp hơn thị trường khác 10%).
Trong khi đó, theo Thông tư 78 được Liên bộ Công Thương Tài chính ban hành tháng 5/2015, giá cơ sở (căn cứ để tính giá bán lẻ xăng dầu) được tính dựa trên thuế suất nhập khẩu 20% với xăng, 10% với dầu diesel và madút là 10%.
Việc này tạo ra một khoảng vênh 5-10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng giữa đầu vào (doanh nghiệp phải nộp cho ngân sách) và đầu ra (người tiêu dùng phải trả cho doanh nghiệp). Đây là khoản tiền mà các nhà buôn xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 đối với diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.
Mặt hàng | Thuế nhập khẩu áp dụng tính giá cơ sở | Thuế nhập khẩu từ ASEAN 2015 | Thuế nhập khẩu từ ASEAN 2016 | Thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc 2016 |
Xăng RON 92 | 20% | 20% | 20% | 10% |
Dầu diesel | 10% | 5% | 0% | 5% |
Theo số liệu của cơ quan quản lý, mỗi tháng Việt Nam tiêu thụ bình quân hơn 400 triệu lít diesel từ ASEAN. Như vậy với giá CIF (giá nhập khẩu khi về tới cảng) vào ngày 18/2 (thời điểm giá cơ sở được công bố và đang ở vùng thấp nhất) của diesel 0,05S nhập từ Singapore là 43,22 USD một thùng (khoảng 6.058 đồng một lít), doanh nghiệp có thể "bỏ túi" hơn 242 tỷ đồng mỗi tháng với khoản chênh 10% nêu trên. Giá CIF càng cao thì giá trị khoản chênh càng lớn.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại TP HCM thừa nhận, trong năm 2015 nhiều công ty xăng dầu đã được hưởng lợi lớn từ cách tính thuế trên nếu có đầy đủ chứng nhận xuất xứ.
Sau diesel, lãnh đạo này cho biết chênh lệch thuế 10% đối với xăng nhập từ Hàn Quốc cũng rất hấp dẫn nên đã bắt đầu lên kế hoạch nhập khẩu lượng lớn từ nước này. Các "đại gia" trong ngành cũng đã tăng nhập khẩu từ thị trường này từ đầu 2016. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng chứng minh thông tin này với 60.000 tấn nhập cảng trong tháng 1/2016 (tương đương 22,5 triệu USD), tăng mạnh so với cùng kỳ.
Với giá CIF cho RON 92 khoảng 43 USD (tương đương khoảng 6.100 đồng một lít), người tiêu dùng đang phải trả thêm cho doanh nghiệp 610 đồng với mỗi lít xăng nhập từ Hàn Quốc.
Trên thực tế, một số số liệu tài chính được công khai của doanh nghiệp cũng cho thấy tình hình kinh doanh đặc biệt tốt trong năm 2015.
Chẳng hạn báo cáo tài chính của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 3.128 tỷ đồng, trong đó riêng lãi từ kinh doanh xăng dầu là gần 1.990 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp từng ghi nhận lỗ trong 2 năm 2011 và 2014 và cũng chỉ lãi được tối đa hơn 1.500 tỷ suốt giai đoạn 2010-2014.
Giải trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Petrolimex cho biết nguyên nhân của việc lãi khủng là giá xăng dầu vẫn cùng xu hướng giảm so với cùng kỳ nhưng mức giảm giữa các tháng thấp hơn nhiều. Vì vậy, ảnh hưởng từ việc phải dự trữ lưu thông theo Nghị định 83 không lớn. Sản lượng bán xăng dầu trong nước tăng trưởng trên 8%. Lợi nhuận từ các công ty liên kết, công ty cổ phần mà Petrolimex đang góp vốn có tăng trưởng tốt.
Tuy vậy, với những khoản chênh thu được hàng trăm tỷ mỗi tháng nêu trên từ tiền thuế của người dân mà các doanh nghiệp xăng dầu thu được, những lý do được Petrolimex nêu ra có lẽ còn chưa đủ.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 10,1 triệu tấn xăng dầu, giá trị 5,36 tỷ USD. Các sản phẩm này chủ yếu có xuất xứ từ Singapore (3,84 triệu tấn), Thái Lan (2,28 triệu tấn), Trung Quốc (1,76 triệu tấn). |
Bạch Dương