Nội dung trên được Bộ Công Thương nêu trong báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, phục vụ phiên chất vấn ngày 16/3.
Theo Bộ Công Thương, hiện nhà máy này chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và 5, đặc biệt sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì hoạt động sản xuất.
"Sau khi đánh giá thực trạng của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Bộ thống nhất trước mắt bỏ nguồn cung của nhà máy này trong phương án điều hành xăng dầu quý II", Bộ Công Thương nêu.
Chia sẻ thêm với VnExpress, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đây là kịch bản được tính đến để đảm bảo nguồn cung và an ninh năng lượng trong mọi tình huống. Khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cam kết kế hoạch sản xuất, giao hàng trở lại, thì các doanh nghiệp sẽ được quyết định phân giao để tổng nguồn (trong nước, nhập khẩu) đủ cho sản xuất, tiêu dùng mà không tạo ra tình trạng dư cung hoặc thiếu kho chứa hàng.
Hiện nay, việc các doanh nghiệp tăng nhập khẩu cộng với nguồn tồn kho từ tháng 2 chuyển sang, Bộ Công Thương khẳng định tháng 3 nguồn cung cho xăng dầu trong nước sẽ cơ bản được đáp ứng đủ.
Để đủ bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước trong quý II, cơ quan này đã giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho 10 thương nhân đầu mối 2,4 triệu m3. Số lượng nhập khẩu về theo từng tháng được Bộ này yêu cầu các doanh nghiệp cập nhật, báo cáo vào ngày 20 hàng tháng.
Hơn hai tháng qua, nguồn cung xăng dầu trong nước gặp khó khăn. Bộ Công Thương cho rằng, khởi nguồn từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất xuống 80%, rồi 55% do khó khăn về tài chính từ đầu tháng 1. Cùng thời gian này, nhà máy cũng gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng sản xuất. Việc đó khiến Lọc dầu Nghi Sơn không đảm bảo cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối theo hợp đồng đã ký và ảnh hưởng tới cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
Sản lượng cung ứng trong tháng 3 của nhà máy này tiếp tục giảm 20% kế hoạch, chỉ giao được 556.000 m3, trong đó xăng giảm 5% và dầu là 30%.
Bối cảnh này, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (do Công ty lọc hoá dầu Bình Sơn quản lý, vận hành) đã tăng công suất lên 105% từ đầu tháng 2 để có thêm nguồn cung cho thị trường, tức thêm khoảng 28.000 m3. Tuy nhiên, nguồn này cũng không đủ bù đắp, nên các doanh nghiệp phải tăng nhập khẩu xăng dầu. Tháng 2 và đầu tháng 3, các doanh nghiệp đầu mối đã nhập khẩu 650.300 m3 xăng, dầu.
Trên cơ sở kế hoạch sản xuất, cung ứng từ nguồn trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ, bộ này sẽ điều chỉnh hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2022.
"Nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới sẽ cơ bản được đảm bảo, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước của doanh nghiệp và người dân", Bộ Công Thương khẳng định.
Ngoài vấn đề nguồn cung, giá xăng, dầu đã tăng 25-40% từ đầu năm. Ngày 11/3, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước tăng thêm gần 3.000 đồng một lít, đưa giá xăng RON 95 lên mức cao nhất lịch sử, 29.820 đồng một lít dù đã trích Quỹ bình ổn giá.
Trước việc giá xăng, dầu bán lẻ trong nước leo thang, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở nhằm bảo đảm tính đúng, đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.
Hiện phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đã được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xem xét. Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, từ 1/4, thuế bảo vệ môi trường với xăng giảm 50%, tương ứng mỗi lít xăng giảm 2.000 đồng, dầu 1.000 đồng (chưa gồm thuế VAT).
Tuy nhiên, trước diễn biến giá dầu thế giới khó đoán định khi tình hình địa chính trị phức tạp, Bộ Công Thương nhận xét sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tiếp cận nguồn cung từ nhập khẩu cũng như hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Để hỗ trợ, cơ quan này đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện về thủ tục nhập khẩu, tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Việc này giúp các đơn vị kịp nhập hàng theo hạn mức nhập khẩu được giao.
Cơ quan này cũng đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm việc với Nhà máu lọc dầu Nghi Sơn để nhanh chóng khắc phục sự cố của nhà máy này.
Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cần cam kết và công bố rõ kế hoạch cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước theo từng tháng. Việc này để các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng từ nguồn nhập khẩu sớm, bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường trong nước thời gian tới.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất được yêu cầu tăng công suất sản xuất để có thêm nguồn cung xăng dầu thành phẩm cho thị trường. Kế hoạch giao hàng của nhà máy cần được thông báo cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trước 45 ngày để họ có kế hoạch cân đối nguồn bảo đảm cung cấp xăng dầu cho thị trường.
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, ngoài duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc hệ thống phân phối, cũng cần chia sẻ nguồn cung, điều chỉnh mức chiết khấu trong hệ thống phân phối hợp lý, tránh gián đoạn việc cung úng xăng dầu cho thị trường.