Tại dự thảo Nghị định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, kể từ lần thay đổi gần nhất. Mức điều chỉnh giá sẽ được nhà chức trách đưa ra khi chi phí sản xuất điện biến động 2% trở lên, thấp hơn so với quy định 3% đang áp dụng.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 7/1, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng thị trường điện Cục Điều tiết điện lực, cho biết đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ bình quân thực hiện theo lộ trình để giá điện theo thị trường.
"Dự thảo đang lấy ý kiến đơn vị, đánh giá tác động", ông Minh nói, thêm rằng đây là việc cần thiết để điều chỉnh chu kỳ xuống ngắn hơn. Cơ quan quản lý sẽ đánh giá tác động kỹ lưỡng, đưa ra phương án phù hợp nhất.
Còn theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc xây dựng nghị định để thực thi Luật Điện lực sửa đổi được Quốc hội thông qua hồi cuối tháng 11/2024. "Việc này để đảm bảo tính thị trường của giá điện", ông Tân nói thêm.
Cụ thể, Luật quy định giá bán lẻ điện được phản ánh, điều chỉnh kịp thời theo biến động thực tế của đầu vào. Việc này giúp bù đắp chi phí với lợi nhuận hợp lý để doanh nghiệp bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh.
Lý giải trước đó, nhà điều hành cũng cho rằng quy định này phù hợp với chỉ đạo của Thường trực Chính phủ về "tránh giật cục trong điều hành giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm". Mặt khác, hiện các thông số đầu vào cho sản xuất điện (dầu, khí, than...) biến động khá lớn trong thời gian ngắn, theo Bộ Công Thương, các thay đổi này cần được phản ánh kịp thời để hạn chế tác động đến mức điều chỉnh giá bán.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc dự kiến hai tháng điều chỉnh giá điện một lần có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó trong dự trù và cân đối chi phí. Bởi thông thường, điện chiếm 4-10% trong cơ cấu giá vốn hàng bán của doanh nghiệp, tùy quy mô, lĩnh vực.
Về lâu dài, giới chuyên môn cho rằng để giá điện theo thị trường, nhà điều hành cần sớm áp dụng cơ chế giá hai thành phần, thay vì điều chỉnh tăng, giảm trong năm. Theo cách tính này, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, họ vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay. Việc này nhằm minh bạch, không bù chéo giữa các đối tượng và giúp ngành điện tính đúng, đủ chi phí.
Liên quan tới cơ chế giá hai thành phần, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho hay họ cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế để làm cơ sở xem xét, trình cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đây là chính sách mới có tác động lớn tới khách hàng, nên nhà điều hành cần đánh giá tác động kỹ lưỡng. "Việc này cũng theo lộ trình, áp dụng từng khách hàng, chứ không phải đồng loạt", ông cho hay.
Phương Dung